Toàn bộ hơn 2.000 xe buýt của TP.HCM sẽ được kinh doanh quảng cáo, sau một thời gian dài bị cấm và cho thí điểm trên diện hẹp. Nguồn thu từ quảng cáo trên thân xe buýt đối với các tuyến xe buýt có trợ giá sẽ được nộp vào ngân sách TP.

TP.HCM cho phép quảng cáo trên toàn bộ hơn 2.000 xe buýt

Phan Diệu | 07/05/2017, 16:04

Toàn bộ hơn 2.000 xe buýt của TP.HCM sẽ được kinh doanh quảng cáo, sau một thời gian dài bị cấm và cho thí điểm trên diện hẹp. Nguồn thu từ quảng cáo trên thân xe buýt đối với các tuyến xe buýt có trợ giá sẽ được nộp vào ngân sách TP.

UBND TP.HCM đã ban hành quyết định phê duyệt đề án quảng cáo trên phương tiện công cộng (xe buýt) trên địa bàn TP.

Theo đó, việc thực hiện quảng cáo trên xe buýt thuộc các tuyến có trợ giá và không trợ giá của TP kể từ tháng 5.2017. Vị trí quảng cáo trên bề mặt của 2 bên vỏ thân xe buýt kể cả phần cửa xe và phần kính xe, trừ phần vị trí sử dụng để thông tin nhận diện xe buýt, không thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của xe buýt. Diện tích quảng cáo không được quá 50% diện tích mỗi bề mặt của vỏ thân xe buýt.

Về màu sắc, TP.HCM yêu cầu quảng cáo trên xe buýt phải có màu sắc và chất liệu phù hợp tương thích với màu của thân xe buýt, các màu sắc chủ đạo không trùng lắp với các hệ thống biển báo giao thông và hạn chế màu đỏ. Quảng cáo không phát sáng, không sử dụng đèn hoặc các chất liệu phát sáng khác.

Về giá cho thuê quảng cáo đối với các tuyến xe buýt có trợ giá, cơ quan trực tiếp thực hiện đề án được quyền thuê đơn vị tư vấn có chức năng nghiên cứu, đề xuất mức giá cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt. Sau đó, đơn vị này thông qua Sở Tài chính chủ trì thẩm định giá, trình UBND TP.HCM phê duyệt, làm cơ sở xác định giá sàn để tổ chức đấu giá. Đối với các tuyến xe buýt không trợ giá, đơn vị vận tải tự quyết định về mức giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt.

Đáng chú ý, theo quyết định của UBND TP, nguồn thu từ quảng cáo trên thân xe buýt đối với các tuyến xe buýt có trợ giá được nộp vào ngân sách TP sau khi trừ các chi phí như: tư vấn lập đề xuất giá, tư vấn đấu giá, các loại thuế.

Nguồn thu từ quảng cáo trên thân xe buýt đối với các tuyến xe buýt không trợ giá, doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện được hưởng trọn vẹn sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước theo quy định.

Trước đó, UBND TP.HCM đã cho thí điểm quảng cáo trên 171 xe buýt có trợ giá thuộc 10 tuyến từ tháng 4.2016. Trong đợt quảng cáo thí điểm, ngân sách TP.HCM đã thu được 14,6 tỉ đồng, tăng 40% so với dự kiến. Việc thí điểm quảng cáo trên thân xe buýt không gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông như lo ngại.

Theo tính toán Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nếu cho phép quảng cáo trên tất cả 2.344 xe buýt, số tiền thu được vào khoảng 170 tỉ đồng/năm. Số tiền này sẽ được dùng để trợ giá xe buýt, giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Hiện nay, mỗi năm ngân sách TP.HCM phải chi hơn 1.000 tỉ đồng để trợ giá cho xe buýt. Năm 2017, tiền trợ giá cho xe buýt dự kiến là 1.226 tỉ đồng, tăng khoảng 231 tỉ đồng so với năm 2016.

Nguyên nhân tăng mức trợ giá là do đầu tư thay thế xe buýt mới và tăng số lượng hành khách đi xe buýt lên 295 triệu lượt.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chính phủ thông qua đề nghị sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17.5.2024 thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 252 Luật Đất đai như đề nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM cho phép quảng cáo trên toàn bộ hơn 2.000 xe buýt