TP.HCM sẽ dạy học trực tiếp thí điểm từ ngày 13 - 27.12. Sau đó, sẽ xem xét việc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3.1.2022.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, các trường sẽ thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13.12 đối với các lớp 1, 9, 12 trong 2 tuần. Từ tuần thứ 2 sẽ thí điểm đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Đối với huyện Cần Giờ, các trường mầm non Thạnh An, tiểu học Thạnh An, THCS-THPT Thạnh An học trực tiếp ở tất cả các khối lớp từ ngày 13.12. Trước đó, học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM quay trở lại trường hôm 20.10 sau một thời gian dài nghỉ học và học trực tuyến do dịch bệnh.
Chỉ đạo lưu ý, trong ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, các trường không tổ chức các hoạt động học tập mà chỉ kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch. Nhà trường tổ chức thực hiện lệch giờ lệch ca, giám sát đảm bảo giãn cách trước giờ học, tan học…
Theo chỉ đạo từ UBND TP, ngày 27.12 sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp dự kiến bắt đầu từ ngày 13.12. Căn cứ kết quả này, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND TP xem xét việc quyết định tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3.1.2022.
Cũng theo kế hoạch trên, nguyên tắc tổ chức cho học sinh đi học lại là: trường THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TP.HCM, các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của TP.Thủ Đức hoặc quận huyện nơi trường trú đóng.
Ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp trước ở những trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống COVID-19.
Nhiều quận huyện đã sẵn sàng trả lại cơ sở vật chất cho nhà trường, chuẩn bị cho việc đón học sinh đi học trực tiếp trở lại. UBND các quận huyện sẽ trực tiếp tổ chức sửa chữa cũng như chi trả các khoản kinh phí liên quan đối với các cơ sở giáo dục được trưng dụng.
Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các trường, cơ sở giáo dục chuẩn bị những biện pháp nhằm đảm bảo điều kiện an toàn nhất cho học sinh. Cụ thể, các trường chuẩn bị hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch, xây dựng trước phương án phòng chống dịch.
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM Trịnh Duy Trọng trước đó cho biết: “Trong kế hoạch của các đơn vị cần có phương án xử lý F0, F1 phát sinh khi các em học sinh trở lại học trực tiếp. Các trường tổ chức diễn tập trước khi đón học sinh. Mỗi nhà trường có dự thảo kịch bản, phân công cụ thể việc phòng chống dịch hằng ngày từ thời điểm đón học sinh đầu giờ cho tới cuối giờ chiều”.
UBND TP chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ hai hằng tuần do UBND TP công bố. Người tham gia dạy và học phải đảm bảo việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh không quá 6 tháng… Riêng học sinh, giáo viên đến từ vùng đỏ phải thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đến ngày 29.11, các quận huyện đã cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho học sinh tại TP.HCM và tiêm mũi 1 bổ sung cho những em đợt 1 chưa tiêm. Đồng thời, những ngày sắp tới, TP sẽ tổ chức tiêm vét cho những em còn lại.
UBND TP cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng chống dịch trước ngày 3.12. Trước khi mở cửa trường, các cơ sở giáo dục phải được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP.Thủ Đức và các quận huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng chống dịch khi dạy học trực tiếp.