“Tôi muốn phát triển tối đa năng lực của con mình” - đó là mong muốn của hầu hết các bậc phụ huynh. Nhưng thực tế là đa số chúng ta không biết làm thế nào để biến điều đó trở thành hiện thực.

Mọi đứa trẻ đều là thiên tài nếu bạn biết cách phát huy

FN | 29/11/2021, 17:03

“Tôi muốn phát triển tối đa năng lực của con mình” - đó là mong muốn của hầu hết các bậc phụ huynh. Nhưng thực tế là đa số chúng ta không biết làm thế nào để biến điều đó trở thành hiện thực.

Chìa khóa nuôi dưỡng thiên tài

Năng lực của trẻ phụ thuộc vào cách tác động của cha mẹ vào quá trình phát triển của con, cha mẹ can dự dù ít hay nhiều, năng lực này cũng đều phát triển, vì vậy, sẽ thật lãng phí nếu chúng ta cứ để mặc con mình phát triển mà không làm gì.

Khoa học não bộ đã chứng minh được rằng ở càng gần mốc tuổi sơ sinh thì năng lực hấp thụ của não càng cao. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tranh thủ quãng thời gian này càng sớm càng tốt.

Giai đoạn 0 đến 3 tuổi là thời kỳ não trẻ có khả năng hấp thụ cao nhất. Còn từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn vô cùng quan trọng để phát triển các tố chất của trẻ. Ví dụ, năng lực cảm âm như nghe và phân biệt các thanh âm “đồ, rê, mi...” sẽ phát triển tốt nhất trong khoảng 3 - 4 tuổi, còn khả năng ghi nhớ ngôn ngữ sẽ phát triển tốt nhất cho đến 6 tuổi.

Hiểu biết đúng đắn về tiềm năng phát triển giai đoạn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc nuôi dưỡng và phát triển tài năng của trẻ. Đặc biệt, chìa khóa để nuôi dưỡng thiên tài chính là giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, từ 0 - 6 tuổi.

Bạn có biết tất cả các bậc thiên tài đều có một điểm chung là khả năng sử dụng đồng đều não phải và não trái? Trong khi đó, đa số chúng ta sử dụng tới 90% não trái và vỏn vẹn 10% não phải. Chúng ta đang dùng não phải quá ít so với não trái.

Lý do cho việc này nằm ở việc kích hoạt não phải, hay nói cách khác việc giáo dục não phải, chưa được thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, nếu kích hoạt tối đa não trái thì năng lực tư duy được giải phóng cũng chỉ giới hạn trong khoảng 10% còn lại mà thôi. Điều này cho chúng ta một nhận thức quan trọng rằng: Đồng thời kích hoạt cả hai bán cầu não mới là cách phát triển năng lực trí tuệ toàn diện nhất.

33baithuchanh-2.jpg

Hãy cứ kể chuyện cho con nghe

Kích hoạt đồng đều cả não trái và não phải chính là mấu chốt trong cách cha mẹ tác động vào sự phát triển năng lực của trẻ từ 0 - 6 tuổi. Chúng ta hãy lần lượt xem xét các ví dụ cụ thể.

Tiến trình phát triển của bộ não bắt đầu ngay sau khi đứa trẻ chào đời và những tác động bên ngoài là vô cùng cần thiết cho sự phát triển đó. Các hoạt động: nhìn, nghe, chạm... sẽ kích thích 5 giác quan và mở ra các đường dẫn truyền cảm giác, gọi là con đường tiếp nhận thông tin (input).

Ví dụ như đối với ngôn ngữ, khi cha mẹ tích cực nói chuyện với con thì con đường input ngôn từ sẽ dần được hoàn thiện. Khả năng diễn đạt và sử dụng từ ngữ sau này của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống dẫn truyền này. Nếu con đường tiếp nhận thông tin này được phát triển kỹ càng và hoàn thiện, tự nhiên con đường thể hiện năng lực - output, cũng chính là con đường vận động - cũng sẽ phát triển theo. Hệ thống thể hiện năng lực này chính là khả năng nói của trẻ. Như vậy, việc cha mẹ tích cực trò chuyện với trẻ từ sớm sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng tiếp thu ngôn từ, đồng thời phát triển khả năng nói và diễn đạt.

Việc kể chuyện cũng có tác dụng tương tự như vậy. Các bậc phụ huynh đừng băn khoăn việc con quá nhỏ liệu có hiểu được hay không, hãy cứ kể chuyện cho con nghe ngay từ khi con mới lọt lòng. Nếu được, hãy bắt đầu từ khi con vẫn còn trong bụng mẹ (có thể bắt đầu từ lúc thai nhi khoảng 5 tháng). Dù chưa nhìn thấy mẹ, nhưng qua giọng kể của mẹ, con có thể cảm nhận được tình yêu thương và hình thành sợi dây liên kết thiêng liêng với mẹ. Về phía mình, người mẹ cũng có một khoảng thời gian để làm quen và luyện tập việc kể chuyện trước khi con chào đời.

Một lưu ý quan trọng là cha mẹ không nên chỉ dừng lại ở việc kể chuyện cho con nghe. Việc đồng thời kích thích cả thính giác và thị giác sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho quá trình phát triển giác quan. Cha mẹ hãy kiên trì đọc thành tiếng những cuốn sách tranh có nội dung dễ hiểu và thích hợp với từng độ tuổi. Việc con xem mặt chữ trong khi mẹ đọc nội dung sẽ giúp phát triển khả năng đọc của con sau này. Thông qua các hoạt động như vậy, năng lực ngôn ngữ của con sẽ dần dần được rèn giũa.

Càng nhỏ tuổi khả năng phát triển tài năng của trẻ càng cao

Có không ít bậc cha mẹ cho rằng trong giai đoạn thơ ấu của con không cần đặt nặng vấn đề tài năng hay năng lực, mà chỉ cần con phát triển khỏe mạnh, bình thường là đủ. Tuy nhiên, bạn có biết rằng tài năng hay năng lực tuân theo một thứ gọi là “quy luật thuyên giảm tài năng”?

Theo quy luật này, năng lực và tài năng của trẻ sẽ giảm dần theo quá trình trưởng thành, tuổi càng tăng thì tài năng và năng lực mà trẻ sở hữu sẽ càng giảm đi và dần biến mất. Chính vì vậy, giai đoạn từ 0 - 6 tuổi càng trở nên đặc biệt quan trọng, bởi việc phát triển năng lực của trẻ bị giới hạn trong khoảng thời gian này. Môi trường mà trẻ được nuôi dạy sẽ trực tiếp quyết định sự phát triển tài năng hoặc năng lực của trẻ. Không chỉ có vậy, sự hình thành nhân cách và tính cách của trẻ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ môi trường đó.

Cụ thể hơn, càng nhỏ tuổi thì khả năng phát triển tài năng của trẻ càng cao. Vì vậy, không khi nào là quá sớm cho việc tạo ra môi trường giúp trẻ phát triển. Theo dõi diễn tiến chỉ số thông minh IQ chúng ta cũng thấy ngay điều này: IQ tăng dần đều cho đến khi trẻ 6 tuổi, còn từ đó trở đi thì giảm dần.

Theo nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học não bộ, các nhạc sĩ thiên tài trải qua khổ luyện từ thời ấu thơ hoặc được tạo môi trường luyện tập thường xuyên, đều có số lượng tế bào thần kinh vượt trội. Nhờ vậy, họ có cơ hội lĩnh hội những kỹ thuật cao cấp và rồi có khả năng phát huy chúng. Đây cũng là một minh chứng rõ nét cho quy luật thuyên giảm tài năng.

Tôi rất mong các bậc phụ huynh sẽ có sự nhận thức đúng đắn rằng không có mâu thuẫn nào giữa sự phát triển bình thường của con trẻ với việc tạo ra cho con một môi trường giúp con phát huy năng lực và năng khiếu. Những năng lực hay năng khiếu tiềm ẩn mà chúng ta cố gắng phát triển luôn cần một môi trường phù hợp và việc tạo ra môi trường đó chính là xuất phát điểm của việc gắn kết và nuôi dạy trẻ.

(Theo sách 33 bài thực hành theo phương pháp Shichida - Giúp phát triển não bộ cho trẻ).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mọi đứa trẻ đều là thiên tài nếu bạn biết cách phát huy