UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường có văn bản hướng dẫn việc thực hiện cưỡng chế đối với những tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ngày 13.7, theo Văn phòng UBND TP.HCM, chính quyền thành phố đã kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường có văn bản hướng dẫn việc thực hiện cưỡng chế đối với những tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo UBND TP.HCM, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số179/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ chưa có quy định cụ thể biện pháp cưỡng chế trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Điều này đã dẫn đến khó khăn trong việc ban hành quyết định cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân vì trong quyết định cưỡng chế phải ghi rõ biện pháp cưỡng chế được áp dụng.
Không những vậy, các tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính mặc dù không thuộc đối tượng bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Thông tư 04/2012/TT-BTNMT ngày 8.5.2012 của Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định tiêu chí xác định gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng), thế nhưng cơ sở sản xuất vẫn tồn tại xen cài trong khu dân cư. Chính vì vậy, nếu không giải quyết triệt để các trường hợp này sẽ dẫn đến môi trường ô nhiễm kéo dài, gây bức xúc trong dân cư.
Trong thời gian qua, TP.HCM đã xử phạt nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, trong quyết định xử phạt hành chính, ngoài hình thức phạt chính là phạt tiền, còn buộc tổ chức, cá nhân phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân chỉ chấp hành hình thức xử phạt chính, không thực hiện hoặc thực hiện chưa triệt để các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, cùng ngày 13.7, UBND TP đã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt. Cụ thể, UBND TP yêu cầu các trưởng đoàn giám sát, Chủ tịch UBND các quận huyện, Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH MTV cấp nước Sài Gòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn tập trung chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện các giải pháp cung cấp nước sạch.
UBND TP giao các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước sạch cung cấp cho người dân sử dụng. Sở Y tế cần chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với UBND các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân. Định kỳ ngày 15 hằng tháng, Sở Y tế có báo cáo kết quả xét nghiệm các mẫu nước sinh hoạt trên địa bàn TP chuyển Sở Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo UBND TP.
Vận động người dân sử dụng nước có chất lượng đạt yêu cầu, tự giác chấp hành các quy định khai thác, sử dụng nguồn nước theo đúng quy định của pháp luật…
UBND TP cũng chỉ đạo UBND 2 huyện Hóc Môn và Bình Chánh khẩn trương phối hợp với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn khảo sát, thực hiện các giải pháp cấp nước tạm thời (đồng hồ tổng, bồn chứa nước tập trung...) để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của các hộ dân tại khu vực xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) và tổ dân phố 1, 2, 3 của ấp 1, xã Phong Phú (huyện Bình Chánh).
Phan Diệu