Tại kỳ họp HĐND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố yêu cầu những nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới quy mô từ 50 - 100ha trở lên thì phải có hồ điều tiết để chống ngập.

TP.HCM: Dự án 50ha trở lên phải xây hồ điều tiết để chống ngập

10/07/2020, 18:44

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố yêu cầu những nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới quy mô từ 50 - 100ha trở lên thì phải có hồ điều tiết để chống ngập.

Kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 10.7 - Ảnh: Phan Diệu

Ngày 10.7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp cho những tháng cuối năm 2020.

Cần thu phí chủ đầu tư xây nhà cao tầng để chống ngập

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đề cập đến việc chống ngập của thành phố thời gian vừa qua. Đại biểu Trần Quang Thắng nói rằng có nhiều nguyên nhân gây ngập nước, kẹt xe ở TP.HCM, trong đó có việc ào ạt xây nhà cao tầng.

Đơn cử như việc xây nhà cao tầng làm cho đô thị bị dồn, nén quá nhiều như ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh gây ngập nặng. Khu vực này khi mưa lớn là ngập và phải tăng cường máy bơm, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, còn giải pháp nâng đường thì rất tốn kém. Do đó, đại biểu Thắng đề xuất những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng phải chịu phí dự phòng để TP.HCM giải quyết các vấn đề về ngập nước và ùn tắc giao thông.

Tương tự, đại biểu Huỳnh Đăng Linh cũng nói rằng mỗi lần tiếp xúc cử tri ở quận Bình Thạnh là cử tri lại bức xúc về nhà cao tầng gây ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Vì vậy, đại biểu này đề nghị TP.HCM phải có giải pháp căn cơ trong chống ngập. Còn nếu cứ ngập lại mang máy bơm ra bơm thì đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Đáng chú ý, trao đổi tại kỳ họp về việc chống ngập, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cho rằng việc giảm ngập thời gian qua ở thành phố đã có sự chuyển biến. Từ năm 2008 đến nay, TP.HCM đã giảm từ 126 điểm ngập do mưa xuống còn 40 điểm vào năm 2014 và hiện còn 15 điểm. Số trận ngập cũng ít hơn, thời gian ngập cũng giảm nhiều.

Còn tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sở Xây dựng ghi nhận nếu có mưa với lượng vượt qua 95mm thì bị ngập xâm xấp nước, nước tự thoát sau 30 - 40 phút. Đề cập về việc dùng bơm chống ngập ở tuyến đường này, ông Bình nói việc này chỉ là giải pháp tích hợp trong chống ngập, cùng với giải pháp đê kè, sử dụng van ngăn triều.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM đã có nhiều giải pháp để chống ngập. Trong đó, thành phố yêu cầu những nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới quy mô từ 50 - 100ha trở lên thì phải có hồ điều tiết. Dự án ven sông, kênh rạch có thể liên kết với sông, rạch để thoát nước tự nhiên. Dự kiến, TP.HCM sẽ dành 5.000 - 10.000ha diện tích đất triền ven sông cho ngập tự nhiên, để tăng diện tích ngập nước.

“TP.HCM tạo ra khu rừng, khu du lịch ở trong rừng ngập nước sẽ hiệu quả hơn là bơm đất, san lấp mặt bằng xây dựng đô thị ven sông. Tinh thần là thành phố có các khu vực để tạo ra các vùng chứa đựng nước thay cho vùng trung tâm hiện nay. TP.HCM đã dành hơn 100ha ở Thủ Thiêm để làm vùng ngập nước tự nhiên, nay phát huy tác dụng, tạo môi trường tốt, thuận lợi cho động thực vật phát triển”, ông Võ Văn Hoan nói.

Đề cập về dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, ông Hoan thông tin dự án này đã hoàn thành 85% và dự kiến tháng 1.2020 đưa vào sử dụng. Nếu hoàn thành dự án này sẽ giải bài toán cơ bản về vấn đề chống ngập do triều kết hợp với mưa và biến đổi khí hậu, tạo ra cảnh quan thiên nhiên sông nước.

Cử tri bức xúc vụ đầu nậu, cò đất lộng hành

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đề cập về tình trạng đầu nậu, cò đất lộng hành. Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết nhiều cử tri rất bức xúc với việc đầu nậu đất lộng hành trong thời gian dài, làm rối loạn thị trường nhà đất, khiến giá đất bị đẩy lên cao. Từ đó, đại biểu Trâm đặt thẳng việc xử lý các cán bộ tiếp tay cho người thu gom, làm đầu nậu, bảo kê.

Đề cập đến việc xây dựng không phép, sai phép ở Bình Chánh, đại biểu Tố Trâm nói hồi tháng 5.2020, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đi thực tế kiểm tra và chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ công chức tiếp tay; xử lý các đầu nậu, bảo kê nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố hình sự.

"Huyện Bình Chánh đã xem xét, xử lý những cán bộ tiếp tay cho vi phạm xây dựng theo chỉ đạo của Bí thư Nhân hay chưa? Việc xử lý đầu nậu, cò đất, bảo kê xây dựng đã được thực hiện thế nào và đã khởi tố hình sự trường hợp nào chưa?", bà Trâm đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nói rằng hiện nay có tình trạng buông lỏng công tác quản lý dẫn đến đầu nậu lộng hành ở các quận huyện. Các đầu nậu này thu đất, rồi phân lô bán nền lại cho người dân.

“Rõ ràng có chuyện người dân không nắm quy định pháp luật và có nhu cầu về nhà ở. Người dân cũng ham rẻ nên mua và xây nhà, nhưng chúng ta cưỡng chế ai? Rõ ràng là cưỡng chế người dân.

Người dân họ sai thì rõ rồi, họ phải chịu, nhưng câu chuyện ở đây là không xử lý được đầu nậu và trách nhiệm của chính quyền trong việc lo nhà ở cho người dân thì sao”, bà Tâm đặt vấn đề.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Dự án 50ha trở lên phải xây hồ điều tiết để chống ngập