Theo tôi, điều kiện kinh doanh và quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải bằng xe ô tô không nằm ở chỗ cái biển, màu biển. Màu biển thật ra chỉ để nhận biết chứ không phải để quản lý, xử lý”, luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH KAV Lawyers nói.

Đổi biển ô tô kinh doanh vận tải sang màu vàng có thật sự hiệu quả?

10/07/2020, 13:12

Theo tôi, điều kiện kinh doanh và quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải bằng xe ô tô không nằm ở chỗ cái biển, màu biển. Màu biển thật ra chỉ để nhận biết chứ không phải để quản lý, xử lý”, luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH KAV Lawyers nói.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH KAV Lawyers - Ảnh: Internet

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58/2020 quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Một trong những nội dung quy định mới của thông tư lần này là việc cấp, đổi biển số cho loại hình xe kinh doanh vận tải.

Cụ thể, tại điểm đ khoản 6 Điều 25 của thông tư quy định biển số ôtô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.

Thông tư này hiện gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH KAV Lawyers để làm rõ hơn vấn đề này.

Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định, ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải đổi biển số xe sang màu vàng từ ngày 1/8. Quan điểm của anh thế nào về việc này ạ?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Đứng ở góc độ quản lý Nhà nước, quy định về gắn biển màu vàng đối với ô tô kinh doanh vận tải có thể tạo sự thuận lợi trong việc nhận biết trong việc quản lý, đặc biệt là có thể thuận lợi cho cảnh sát giao thông trong việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý đối với ô tô kinh doanh vận tải đang lưu thông trên đường.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ người dân, góc độ của cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải thì có thể thấy rằng quy định sẽ tạo ra không ít phiền hà, phát sinh thêm thủ tục, chi phí cho người dân, cho đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là đối với các đơn vị phải chuyển đổi biển số.

Thông tư này yêu cầu xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày thông tư này có hiệu lực, thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31.12.2021. Như vậy họ phải làm thủ tục, mất thêm chi phí về đổi biển số. Chưa kể sau này nếu ô tô gắn biển màu vàng không còn đưa vào kinh doanh nữa thì lại phải đổi lại biển màu trắng, như vậy lại phát sinh thủ tục, chi phí lần nữa.

Theo tôi, ở một khía cạnh nào đó, việc phân biệt ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải gắn biển riêng là màu vàng có thể tạo ra sự bất bình đẳng, có thể bị đối xử khác nhau vì màu của biển số xe.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công an, số lượng xe kinh doanh vận tải khoảng 1,6 triệu. Nếu căn cứ theo thông tư 229/2016 của Bộ Tài chính, chi phí đổi giấy đăng ký kèm theo biển số xe ô tô có lệ phí là 150.000 đồng/lần/xe. Như vậy, người dân phải chi số tiền chuyển đổi sẽ tăng lên 240 tỉ đồng. Ông nghĩ sao về điều này, nhất là khi nhiều người dân và doanh nghiệp vừa chịu nhiều thiệt hại sau đại dịch COVID-19?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Chi phí đổi biển nếu tính riêng từng xe thì có thể không quá lớn đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải nhưng rõ ràng tính về tổng thể thì đó cũng là con số đáng kể. Hơn nữa, đánh giá tác động về chi phí không phải chỉ nhìn vào lệ phí của việc đổi biển mà đó còn lại các chi phí khác của người dân khi thực hiện thủ tục đổi biển như chi phí đi lại, các chi phí phát sinh khác,…

Hơn nữa, Thông tư này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.8.2020, trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 thì có lẽ không phù hợp lắm, khó tạo được sự đồng thuận từ người dân. Vấn đề này cũng tương tự như vấn đề kiểm tra việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe mô tô mà người dân cũng có nhiều ý kiến gần đây.

Biển số ô tô kinh doanh vận tải sẽ chuyển sang màu vàng

Mặc dù thông tư có quy định thời hạn đổi sang biển màu vàng kéo dài đến ngày trước ngày 31.12.2021 nhưng theo tôi thời hạn này chưa đủ dài để thực hiện chuyển đổi vì hiện tại tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các chuyến bay thương mại chưa hoạt động trở lại, khách du lịch giảm đáng kể, nhu cầu về vận chuyển hành khách, hàng hóa cũng giảm đáng kể,….

Hơn nữa, tôi cho rằng quy định buộc đổi biển số như vậy đối với những đơn vị đã đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực là một quy định “hồi tố bất lợi” đối với người dân.

Thay vì buộc các đơn vị kinh doanh vận tải đổi biển màu vàng, theo ông, còn cách nào để thực hiện nhận diện ít tốn kém hơn cho doanh nghiệp, người dân, khỏi chồng chéo trong quản lý?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Theo tôi, điều kiện kinh doanh và quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải bằng xe ô tô không nằm ở chỗ cái biển, màu biển. Màu biển thật ra chỉ để nhận biết chứ không phải để quản lý, xử lý. Xe lưu thông trên đường, dù là xe biển gì thì khi họ vi phạm pháp luật, luật giao thông đường bộ thì mới phải bị kiểm tra, xử lý. Mà xe nào vi phạm thì cũng phải xử lý như nhau chứ đâu phải xử lý phụ thuộc vào màu biển số của xe cho nên cần làm rõ mục đích của việc phân biệt, nhận diện màu biển xe đối với đơn vị kinh doanh vận tải có ý nghĩa gì?

Còn vẫn muốn nhận biết, nhận diện thì theo tôi cần có sự nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp hơn là buộc thay đổi màu biển số. Theo tôi được biết Dự thảo Luật Giao thông đường bộ cũng đã có quy định phân biệt xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải dựa trên tem đăng kiểm (xe ô tô kinh doanh vận tải phải có màu tem đăng kiểm phân biệt với các loại phương tiện khác).

Tôi cho rằng việc nhận diện qua tem đăng kiểm là phù hợp hơn, ít tốn kém hơn và thuận lợi hơn về mặt thủ tục, chi phí cho người dân. Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu phân biệt qua phù hiệu xe chẳng hạn.

Đối chiếu quy định của thông tư này và Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi như vừa nêu trên thì đó là cũng là một bất cập nữa. Bây giờ Thông tư áp dụng phân biệt theo màu biển số nhưng dự thảo luật mới lại phân biệt theo màu tem đăng kiểm.

Vậy nếu sắp tới Luật Giao thông đường bộ được thông qua và có hiệu lực thì sẽ phân biệt theo yếu tố nào, theo biển số màu vàng hay theo màu tem đăng kiểm hay cả hai. Nếu cả hai thì lại rắc rối quá và không cần thiết, thừa dấu hiệu phân biệt còn nếu chỉ giữ một trong hai yếu tố phân biệt này thì thông tư lại phải sửa đổi phù hợp với luật mới (luật có giá trị pháp lý cao hơn) và người dân kinh doanh dịch vụ vận tải lại đổi biển lần nữa?!

Có ý kiến cho rằng việc kiểm tra xe kinh doanh vận tải không phải là chức năng của ngành công an. Nên quy định này vượt thẩm quyền của công an, nói đúng hơn ngành công an đang lấn sân của ngành khác trong việc kiểm tra hoạt động kinh doanh của xe vận tải. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô hiện nay được quy định theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và trực tiếp là Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, cơ quan quản lý về điều kiện kinh doanh, cấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là Sở Giao thông vận tải. Tuy vậy, ngành công an vẫn có chức năng kiểm tra, xử lý đối với một số hoạt động, vi phạm theo quy định.

Cụ thể, Điều 24 Nghị định 10/2020/NĐ-CP có quy định Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật liên quan; kết nối, chia sẻ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho Bộ Giao thông vận tải để phối hợp quản lý.

Tuy vậy, vấn đề ở chỗ là phân biệt rõ ràng thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để tránh chồng lấn thẩm quyền cũng như tránh sự phiền hà đối với người dân do có quá nhiều cơ quan có quyền kiểm tra, xử lý.

Lam Thanh thực hiện

Bài liên quan
Sở hữu 3 cảng container hàng đầu thế giới, vận tải đường thủy ở VN vẫn yếu
Vận tải biển ở Việt Nam còn nhiều vướng mắc, nguồn hàng vận tải giảm, chi phí đầu vào tăng cao... gây khó cho các doanh nghiệp hàng hải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi biển ô tô kinh doanh vận tải sang màu vàng có thật sự hiệu quả?