Có đến 77,8% bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm mong muốn được tái khám và điều trị ngoại trú tại trạm y tế nếu trạm có đủ thuốc như các bệnh viện tuyến huyện.

TP.HCM: Gần 80% người mắc bệnh mạn tính muốn điều trị ở trạm y tế

Hồ Quang | 05/09/2022, 19:40

Có đến 77,8% bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm mong muốn được tái khám và điều trị ngoại trú tại trạm y tế nếu trạm có đủ thuốc như các bệnh viện tuyến huyện.

Đó là kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của người dân đối với hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại các Trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP.HCM vừa được Sở Y tế công bố vào chiều nay (5.9).

Theo Sở Y tế TP.HCM, nhóm khảo sát tiến hành phỏng vấn nhanh 36 người dân đang chờ khám tại các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn TP để nhận thuốc điều trị tại nhà các bệnh không lây như: cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…

tphcmgan-80-benh-nhan-mac-benh-man-muon-dieu-tri-o-tram-y-te-hinh-anh(1).png
Một bệnh nhân khám và điều trị tại Trạm y tế phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: PV

Người bệnh được phỏng vấn đa số là nữ, tuổi trung bình 55.5 tuổi (nhỏ nhất 20 tuổi, lớn nhất 73 tuổi), 70% thường trú tại địa bàn được khảo sát, 100% người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Các bệnh mạn tính của người được khảo sát bao gồm: tăng huyết áp (77%), rối loạn lipid máu (34%), bệnh xương khớp mạn tính (29%), đái tháo đường (9%), hen phế quản hoặc bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính (4%).

Khi được hỏi có đồng ý trở về trạm y tế phường gần nhà để tái khám thay vì phải đến bệnh viện như hiện nay hay không thì có đến 77,8% người bệnh trả lời sẵn sàng nếu trạm y tế có bác sĩ và đủ các loại thuốc như đang được nhận tại các bệnh viện.

Sở Y tế cho biết, từ khảo sát này sẽ đánh giá nhu cầu thực tế của người dân đối với hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại các Trạm y tế phường, xã. Qua đó làm cơ sở tiến hành triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, nhất là chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, mắc bệnh nền).

Hiện Sở Y tế đang khẩn trương trình UBND TP, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH)Việt Nam cho phép TP được triển khai thí điểm mở rộng danh mục cho y tế cơ sở. Cụ thể là mở rộng danh mục thuốc trong gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở được quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT, cụ thể là được bổ sung 50 loại thuốc có danh mục thuốc của tuyến 3 theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT (các bệnh viện tuyến huyện) trong điều trị các bệnh không lây (tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh xương khớp mạn tính, đái tháo đường, hen phế quản hoặc bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính).

Song song đó, Sở Y tế sẽ sớm trình UBND TP và Bộ Y tế cho phép TP thí điểm mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, bên cạnh 129 hoạt chất theo quy định còn nhiều thuốc thiết yếu khác rất cần cho y tế cơ sở nhưng do nhu cầu ít nên khó tiến hành đấu thầu riêng lẻ. Đặc biệt là 50 loại thuốc điều trị các bệnh không lây đang được BHXH thanh toán cho các bệnh viện, ngành y tế kiến nghị các thuốc này được mở rộng và được BHXH thanh toán cho trạm y tế (các trạm đã được BHXH ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế).

Như vậy, bên cạnh nhiều hoạt động đang được ngành y tế TP triển khai hướng về y tế cơ sở, mới nhất là triển khai Nghị quyết 01/NQ-HĐND về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đến năm 2025, một hoạt động rất thiết thực được nhiều chuyên gia y tế và người dân mong đợi chính là danh mục thuốc điều trị các bệnh không lây sớm được mở rộng, tương đồng với danh mục thuốc điều trị ngoại trú các bệnh lý này tại các bệnh viện tuyến huyện đang được BHYT thanh toán.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
17 phút trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Gần 80% người mắc bệnh mạn tính muốn điều trị ở trạm y tế