Thông tin một phụ huynh ở TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì không cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Vậy việc xử phạt trên đúng hay không?

Xử phạt phụ huynh không cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19 đúng hay không?

Hồ Quang | 05/09/2022, 17:50

Thông tin một phụ huynh ở TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì không cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Vậy việc xử phạt trên đúng hay không?

Sau khi một phụ huynh không đồng ý cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19, UBND phường Trần Phú (TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh này về hành vi “không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.

xu-phat-phu-huynh-khong-cho-con-tiem-vac0xin-covid-19-dung-hay-sai-hinh-anh(1).jpg
UBND phường Trần Phú lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với một trường hợp không cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: PV

Chiều 5.9, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM cho biết, việc UBND phường Trần Phú lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi trên là đúng với quy định của pháp luật. Việc xử phạt này là dựa theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 9 của Nghị định 117 ban hành ngày 28.9.2020.

“Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 9, Nghị định 117 nêu rõ đối với hành vi “không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền” sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Như vậy, điều kiện để xử phạt là không chấp hành việc tiêm vắc xin theo yêu cầu”, ông Hậu nói.

Theo ông Hậu, nếu chiếu theo Nghị định 117 trên, nhiều địa phương vẫn còn du di, chưa thực hiện nghiêm nghị định này trong việc xử lý những người không chấp hành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương, nhất là TP.HCM - nơi có dân số đông nhất nước, số lượng trẻ tiêm vắc xin còn thấp. TP cũng chỉ tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm. Ngoài ra, để giúp cho trẻ em được tiếp cận tiêm vắc phòng COVID-19 nhanh nhất và kịp thời, TP đã mở chiến dịch cao điểm tiêm vắc xin cho trẻ, thực hiện mô hình xe tiêm vắc xin lưu động…

Tuy nhiên, theo ông Hậu, việc xử phạt người dân không tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo Nghị định 117 trên thì cơ quan chức năng phải chứng minh được nguy cơ mắc bệnh và trong vùng có dịch lớn, hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. “Thật ra quy định này nêu cũng không rõ lắm nên việc áp dụng hơi khiên cưỡng. Vì vậy, việc sử dụng Nghị định 117 này phải đúng trong hoàn cảnh hiện nay”, ông Hậu nói.

Trước đây khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chúng ta đặt cộng đồng lên trên nên đưa ra Nghị định 117. Hiện nay dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, ông Hậu cho rằng việc lập biên bản xử phạt như thế là cứng nhắc, khắt khe, không phù hợp với tình hình thực tế. “Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng COVID-19. Chúng ta chỉ nên nhắc nhở, tuyên truyền, kêu gọi người dân tiêm vắc xin mà thôi”, ông Hậu nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 4.9, UBND phường Trần Phú, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã có biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế đối với một số phụ huynh vì không cho con đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ.

Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế số 04- BB- VPHC ngày 4.9.2022 của UBND phường Trần Phú nêu rõ: ông K. (sinh năm 1984, trú khu 2, phường Trần Phú) đã có hành vi vi phạm hành chính “không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền” quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 01/VBHN- BYT ngày 24.1.2022 của Bộ Y tế quy định xử phạt vi quy phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, ông K. đã không ký vào biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế trên.

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương bị đề nghị xử phạt 6 - 7 năm tù
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX TAND TP.Hà Nội xử phạt bị cáo Lê Tiến Phương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) từ 6 - 7 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử phạt phụ huynh không cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19 đúng hay không?