Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở trẻ dưới 18 tuổi tại TP.HCM còn quá thấp. Ngoài việc phát thư ngỏ đến từng phụ huynh kêu gọi đưa trẻ đi tiêm, TP còn kiến nghị đưa đưa tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 vào tiêu chí thi đua cho các quận huyện và cơ sở giáo dục.

TP.HCM kiến nghị đưa tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 vào tiêu chí thi đua

Hồ Quang | 15/09/2022, 18:56

Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở trẻ dưới 18 tuổi tại TP.HCM còn quá thấp. Ngoài việc phát thư ngỏ đến từng phụ huynh kêu gọi đưa trẻ đi tiêm, TP còn kiến nghị đưa đưa tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 vào tiêu chí thi đua cho các quận huyện và cơ sở giáo dục.

Tại cuộc họp báo thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 15.9, bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP cho biết đến hết ngày 14.9, TP có 226.301 trẻ từ 12 đến dưới 18 tiêm mũi 3, đạt tỷ lệ 34,2%. So với trung bình cả nước, tỷ lệ này thấp hơn 21,8% (tỷ lệ trung bình cả nước khoảng 56%).

tphcm-kien-nghi-dua-ty-le-bao-phu-vac-xin-vao-tiue-chi-thi-dua-hinh-anh(1).png
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM chia sẻ với báo chí vào chiều 15.9 - Ảnh: PV

Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã có 290.765 trẻ được tiêm đủ 2 mũi, chiếm tỷ lệ là 34,7%, tỷ lệ này cũng thấp hơn so với trung bình cả nước là 24,3% (tỷ lệ trung bình cả nước là 59%). Như vậy, số lượng trẻ trong độ tuổi trên có tỷ lệ tiêm thấp so với trung bình cả nước khoảng 20%.

Bà Nga đặt mục tiêu ngày 30.9.2022 – hết tháng cao điểm tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi phải đạt tỷ lệ bằng với tỷ lệ trung bình của cả nước. “Làm thế nào để TP đạt được tỷ tiêm cho trẻ trong độ tuổi trên bằng với tỷ lệ trung bình của cả nước, điều này không chỉ trách nhiệm của ngành y tế. Sở Y tế luôn sẵn sàng đảm bảo công tác tiêm chủng cung cấp đầy đủ bộ tiêm theo yêu cầu các trường cũng như lãnh đạo các quận, huyện; đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng và cung ứng vắc xin. Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta phải có sự nỗ lực để vận động người dân đưa trẻ ra điểm tiêm chủng”, bà Nga nhấn mạnh.

Trong tháng 9 này, TP sẽ vận động có trọng tâm, trọng điểm. Hiện Sở Y tế đã có văn bản và biên soạn nội dung thư ngỏ gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để chuyển đến từng phụ huynh chưa cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19. Sở Y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho các trường thống kê tất cả tiền sử tiêm chủng của học sinh. Nếu trẻ nào chưa tiêm, chưa tiêm mũi nhắc lại, hoặc chưa tiêm đầy đủ phải tư vấn trực tiếp để phụ huynh đó để đưa trẻ đến tiêm chủng nhằm đảm bảo đạt được tỷ lệ tiêm chủng tốt nhất.

“Qua rà soát nhu cầu tiêm chủng của từng trường học, Sở Y tế sẵn sàng nhiều hình thức tiêm chủng để đáp ứng nhu cầu bao phủ vắc xin của trường”, bà Nga nói.

Đặc biệt mới đây, Sở Y tế đã có tờ trình 6257 tham mưu UBND TP đưa tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 cho các nhóm tuổi vào tiêu chí thi đua cho các quận huyện và các cơ sở giáo dục.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về chất lượng nước sinh hoạt hiện nay trên địa bàn TP, bà Nga cho biết, công tác kiểm soát chất lượng nước được đơn vị này thực hiện định kỳ từ năm 2005; hàng tháng đều có giám sát nước sinh hoạt của người dân gồm: nước sinh hoạt trên mạng lưới nước do SAWACO (Tổng công ty cấp nước Sài Gòn) cung cấp và nước sinh hoạt do các hộ dân tự khai thác.

Mỗi quận, huyện và TP.Thủ Đức đều được lấy 2 mẫu nước/tháng để xét nghiệm các tiêu chí vi sinh và hóa lý. Tiêu chuẩn xét nghiệm được áp dụng theo Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Trong năm 2021, tổng số mẫu nước giếng khoan được lấy là 160 mẫu. Kết quả cho thấy có đến 98% mẫu xét nghiệm đều không đạt chỉ tiêu độ pH, clo dư. Đây là 2 chỉ tiêu cơ bản đánh giá về hóa lý đối với nước sinh hoạt. Đối với vi sinh có khoảng 15% số mẫu không đạt.

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, qua lấy 22 mẫu nước giếng sinh hoạt giám sát, có đến 100% đều không đạt chỉ tiêu về độ pH và clo dư; 15,8 % mẫu không đạt chỉ tiêu về vi sinh. “Tỷ lệ nước giếng khoan không đạt chỉ tiêu về hóa lý như trên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người sử dụng; đặc biệt chỉ số clo dư không đạt để lại hậu quả trước mắt là các bệnh về đường ruột. Đây là vấn đề mà chúng ta cần truyền thông hơn nữa để người dân thay dần thói quen sử dụng nước giếng khoan làm nước sinh hoạt”, bà Nga chia sẻ.

Bài liên quan
TP.HCM còn thiếu khoảng 14.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng
Với gần 2,4 triệu hộ dân, TP.HCM cần hơn 16.000 cộng tác viên (CTV) sức khỏe cộng đồng nhưng hiện chỉ mới tuyển được hơn 2.000 người, còn thiếu khoảng 14.000 người chưa thể tuyển dụng được.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM kiến nghị đưa tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 vào tiêu chí thi đua