Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Chủ tịch Phan Văn Mãi về công tác thiết kế cảnh quan và tái lập tuyến đường Lê Lợi, ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành và công tác cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành.
Trong đó, điểm đáng chú ý là nghiên cứu di dời tượng Trần Nguyên Hãn về vị trí cũ, đề xuất thêm phương án làm mới tượng Trần Nguyên Hãn bằng chất liệu bền vững hơn, nghiên cứu tỉ lệ kích thước bệ tượng và tượng cho phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.
Tượng đài Trần Nguyên Hãn xây dựng từ trước năm 1975, biểu tượng ở trung tâm TP và là hình ảnh quen thuộc đối với người Sài Gòn. Tượng được làm bằng xi măng và từng được trùng tu, phục chế 2 lần, chân phải từng bị rơi xuống đất vào năm 2013. Hồi tháng 11.2014, tượng Trần Nguyên Hãn được di dời về công viên Phú Lâm (Q.6) để phục vụ dự án xây dựng nhà ga Bến Thành, thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Việc di dời cụm tượng Trần Nguyên Hãn và tượng bán thân liệt nữ Quách Thị Trang ở công trường Quách Thị Trang cũng để giải phóng mặt bằng thi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) trên địa bàn quận 1.
Cùng với việc đưa tượng đài Trần Nguyên Hãn về lại khu vực cũ, TP cũng sẽ nghiên cứu tái lập nút giao tại giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ và bùng binh trước chợ Bến Thành.
Về công tác cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành, lãnh đạo TP.HCM thống nhất phương án trùng tu, cải tạo thứ 3. UBND TP.HCM giao quận 1 chủ trì, làm việc với Sở Công Thương, Ban Quản lý chợ Bến Thành cùng đơn vị liên quan trao đổi thống nhất và lấy ý kiến của tiểu thương về phương án thiết kế mặt bằng tổng thể và bố trí gian hàng trong chợ, đảm bảo quyền lợi cho tiểu thương.
Sau khi thống nhất, quận 1 công bố công khai minh bạch để tiểu thương có thông tin và ủng hộ chủ trương cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành, hoàn thành vào tháng 7 tới.