UBND TP.HCM đã giao chỉ tiêu cho Sở Du lịch trong năm 2017, phấn đấu đón 6 triệu lượt khách quốc tế; 25 triệu lượt khách du lịch nội địa và tổng doanh thu sẽ đạt mức 112.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị Kinh tế- Xã hội TP.HCM 8 tháng đầu năm 2017, theo báo cáo của Sở Du lịch, từ đầu năm đến nay, thành phố đã đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 68,5% kế hoạch năm (7 triệu lượt khách); doanh thu đạt 74.970 tỷ đồng.
Ông Nguyến Thành Phong-Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, khách du lịch quốc tế đến TP.HCM chiếm 50% khách du lịch quốc tế của cả nước, tuy nhiên với vị thế của thành phố cùng với dư địa tăng trưởng thì con số này còn khiêm tốn. Theo ông Phong, để đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP.HCM sẵn sàng lấy ý kiến khách du lịch nước ngoài, mời gọi chuyên gia quốc tế đánh giá, có các giải pháp đột phá. Sẵn sàng hỗ trợ giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch một cách kịp thời. Bên cạnh đó, phải tạo ra các sản phẩm du lịch để kéo du khách; đầu tư nâng cấp các khu du lịch và hệ thống bảo tàng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông.
Theo số liệu báo cáo năm 2017 của tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey, có đến 17% du khách đến TP.HCM vì mục đích công việc; cao hơn so với mức bình quân 14 - 15% của khu vực. Điều này khẳng định TP.HCM đang có sức hút đặc biệt đối với thị trường khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị) và điểm đến này hội tụ đầy đủ tiềm năng cũng như yếu tố để phát triển một cách toàn diện du lịch MICE; góp phần vào việc nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của ngành du lịch nói riêng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố nói chung.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ-Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, trong những năm gần đây, du lịch TP.HCM không ngừng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ nguồn nhân lực và phát triển đa dạng các sản phẩm để cạnh tranh với các nước trong khu vực về du lịch MICE. Toàn thành phố hiện có hơn 80 khách sạn từ 3-5 sao với tổng cộng 200 phòng hội nghị có quy mô khác nhau, có thể tổ chức những sự kiện lớn trong nước và quốc tế. Vấn đề còn lại là thu hút khách từ các thị trường mạnh về du lịch MICE.
Phát triển 9 loại hình du lịch then chốt
Đó là nội dung chính trong chương trình làm việc của lãnh đạo TP.HCM và Sở Du lịch về kế hoạch phát triển ngành du lịch năm 2017. Theo đó, sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gồm: du lịch thương mại, du lịch hội nghị, đường thủy nội đô, du lịch có trách nhiệm gắn với phát triển nông thôn mới, du lịch gắn với hoạt động thể dục thể thao, du lịch ẩm thực. Trong đó, du lịch đường thủy nội đô được đặc biệt chú trọng với các loại hình tour chợ nổi, tàu du lịch 5 sao trên sông Sài Gòn.
Năm 2017, TP.HCM đã phát triển thêm hai phố đi bộ ở đường Bùi Viện và bến Bạch Đằng, mở các tour du lịch tham quan chợ đầu mối để thu hút khách quốc tế, phấn đấu đạt mục tiêu đón 7 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2017.
Ông Tào Văn Nghệ - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn TP.HCM cho biết, hiện một số khách sạn 5 sao đang phải trả đến 3 mức giá điện khác nhau (tùy theo lúc cao điểm, thấp điểm). Thêm nữa, thành phố đang khuyến khích xây dựng các khách sạn, thu hút du khách đến lưu trú nhưng khi xin giấy phép nâng hạng sao lại vướng nhiều "giấy phép con" như (giấy phép bán rượu, giấy phép massage, giấy phép khiêu vũ…), gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp, đơn vị hoạt động lưu trú…
Dự kiến năm 2018, trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế rộng khoảng 14ha, với đầy đủ các dịch vụ cho các sự kiện hội họp, lưu trú và khách tham gia sẽ được khởi công tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trung tâm này có thể sẽ bắt đầu đón khách vào năm 2020. Một số dự án lớn tại Cần Giờ, Củ Chi cũng đang được quy hoạch...
Theo Dân Việt