TP.HCM chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát quỹ đất, nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn.
Sẽ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa có chỉ đạo về phương án triển khai xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, ông Lê Hòa Bình giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025, trình UBND TP.HCM phê duyệt trước ngày 15.10 để làm cơ sở triển khai kế hoạch phát triển nhà ở năm 2021.
Sở Xây dựng được giao phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại. Cùng với đó, thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án khẩn trương triển khai thực hiện. Trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao lại cho Nhà nước quản lý để tổ chức thực hiện, không để lãng phí quỹ đất này.
Mặt khác, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Hoà Bình giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng các tiêu chí, thông tin mời thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng các tiêu chí và đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất dự kiến thực hiện dự án đối với khu đất chưa có chức năng đất ở.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND TP.HCM giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan chủ động thúc đẩy chương trình xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân trên địa bàn thành phố.
Khan hiếm nhà ở dành cho công nhân
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), từ thực tiễn phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua cho thấy sự cần thiết xây dựng các khu nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho chuyên gia phục vụ trực tiếp cho từng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Thậm chí, cần thiết xây dựng nhà phục vụ cho từng nhà máy mà thành phố đã chỉ đạo thực hiện trong hơn 20 năm qua.
Ông Châu cho rằng thời gian trước, một số người lao động lại có tâm lý không muốn vào ở trong khu lưu trú công nhân vì gò bó, hoặc muốn ở chung với người thân, bạn bè, đồng hương. Cạnh đó, có doanh nghiệp rất đông công nhân tương đương một khu công nghiệp lớn, nhưng chưa có khu nhà lưu trú công nhân riêng mà phải đưa đón hàng ngày, phát sinh vấn đề về giao thông đi lại và phòng chống dịch.
Nhiều khu nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình đầu tư với phòng trọ (cả bếp, khu vệ sinh) có diện tích tối thiểu 10 m2 dành cho 2 người (mỗi người 5 m2) theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế, số người lưu trú thường cao hơn, không có đủ tiện ích, dịch vụ, không đảm bảo an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy.
Do vậy, Chủ tịch HoREA kiến nghị các diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao, xã Lê Minh Xuân... được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội và phần đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại mà chủ đầu tư dành để làm nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tự thương lượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tự giải phóng mặt bằng và tự đầu tư phát triển nhà ở xã hội rất cần khuyến khích và hỗ trợ tạo điều kiện.
"Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Hiệp hội đề xuất các dự án này có thể áp dụng các chính sách ưu đãi bằng khoảng 1/3 hoặc 1/2 mức ưu đãi nhà ở xã hội hiện nay, để phát triển được các dự án nhà ở thương mại giá thấp có mức giá khoảng không quá 25 triệu đồng/m2 tại đô thị đặc biệt và thành phố trực thuộc Trung ương; không quá 23 triệu đồng/m2 tại đô thị loại 1; không quá 20 triệu đồng/ m2 tại các đô thị còn lại, cùng với chính sách nhà ở xã hội đề thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người có thu nhập thấp đô thị", Chủ tịch HoREA kiến nghị.
Cũng liên quan đến phát triển nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng thừa nhận các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ với mức giá dưới 25 triệu đồng một mét vuông tại các đô thị lớn rất ít, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm. Các dự án dạng này cũng đẩy giá, từ mức trên dưới 20 triệu một mét vuông lên trên dưới 25 triệu đồng/m2. Dù có nhu cầu lớn, song căn hộ có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 hiện không còn nhiều ở các khu đô thị lớn.
Số liệu của Bộ Xây dựng tính đến cuối năm 2020 cũng cho thấy cả nước chỉ có 513 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với số lượng hơn 16 triệu mét vuông sàn. Trong đó, đã hoàn thành 249 dự án với quy mô xây dựng hơn 5,2 triệu m2 sàn, đạt tỉ lệ hơn 40% kế hoạch; đang triển khai 264 dự án với quy mô xây dựng khoảng gần 11 triệu m2 sàn nhà ở. Bộ Xây dựng thừa nhận mục tiêu phát triển nhà ở cho công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.