Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến tháng 4.2024, TP có đến 87 điểm hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định, tăng lên 17 điểm “bến cóc, xe dù” so với cuối năm 2023.
Tình hình “bến cóc, xe dù” trên địa bàn TP.HCM đang ngày một phức tạp; số lượng điểm đón, trả khách không đúng nơi quy định gia tăng.
Gần 90 điểm “bến cóc, xe dù”
Tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 4.7, ông Nguyễn Kiên Giang - Phó trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết đến tháng 4.2024, TP ghi nhận có 87 vị trí hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10.2023.
“Sở Giao thông vận tải đã thông tin danh sách các vị trí trên đến Công an TP và Công an các quận huyện, TP.Thủ Đức để kiểm tra, xử lý. Sở cũng vừa có công văn yêu cầu thanh tra sở rà soát lại các điểm “bến cóc” để thông tin đến công an kiểm tra, xử lý”, ông Giang cho biết thêm.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát các vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố theo địa bàn quản lý, để đề xuất đưa ra giải pháp xử lý về tổ chức giao thông, cải tạo kết cấu hạ tầng, lắp đặt biển báo và camera giám sát giao thông, kiểm tra xử phạt,... Đồng thời giao trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan với mục tiêu ngăn chặn tình trạng phương tiện vận tải đón, trả khách không đúng nơi quy định.
Trong khi đó, UBND TP cũng đã có công văn giao Công an TP chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Thủ Đức và các quận, huyện có liên quan phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến tình trạng “bến cóc, xe dù”; chở quá số người quy định, xe quá tải; điều khiển phương tiện vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn; tăng giá vé trái quy định; dừng, đỗ trái phép; chiếm dụng lòng đường và vỉa hè gây mất trật tự an toàn giao thông,...
Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa trên địa bàn TP theo chỉ đạo của Bộ Công an.
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý; kiên quyết xử lý dứt điểm các bãi trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm có tổ chức đón, trả khách không đúng quy định trên địa bàn; tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được ổn định; đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hành khách đi lại thuận lợi, an toàn.
Nhiều trường hợp không thuộc thẩm quyền của công an
Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm là tại sao tình trạng “bến cóc, xe dù” vẫn ngày càng tăng, dù cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý suốt thời gian qua.
Theo ông Giang, hiện nay việc xử lý các vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng quy định trên địa bàn TP đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử việc di dời các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh giai đoạn 2 (từ tỉnh Thừa Thiên-Huế trở vào các tỉnh phía nam) từ bến xe Miền Đông cũ ra bến xe Miền Đông mới làm tăng thời gian di chuyển đến bến xe của hành khách; tuyến đường kết nối từ bến xe Miền Đông mới đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chưa thuận tiện do phải di chuyển vào khu công nghệ cao để đến cao tốc; chưa tổ chức được các điểm dừng đón, trả khách mới trên hành trình chạy xe đến bến xe khách liên tỉnh do không đảm bảo an toàn giao thông.
Trong khi đó, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan theo thẩm quyền; thiếu sự phối hợp của một số Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố có xe khách vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn TP.HCM; hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam còn thiếu chức năng để trích xuất vi phạm của xe khách; còn thiếu các camera quan sát giao thông được lắp đặt tại các vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng quy định.
Đề cập đến vấn đề này, Thượng tá Tân Xuân Tiên - Phó trưởng Công an TP.Thủ Đức cho biết, dù việc xử lý “xe dù, bến cóc” được giao cho lực lượng công an, nhưng có nhiều trường hợp lại không thuộc thẩm quyền của công an.
“Theo quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT, bãi đỗ xe không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng để đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa. Tuy nhiên, chủ các bãi đỗ xe vẫn để cho các đơn vị kinh doanh vận tải đón, trả khách bên trong các bãi này. Điều này gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông vì bãi đỗ xe không thuộc thẩm quyền, phạm vi tuyến đường giao thông công cộng và hành lang đường bộ”, Thượng tá Tiên thông tin.
Ngoài ra, theo Thượng tá Tiên, các nhà xe hoạt động “bến cóc, xe dù” luôn tìm cách đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Họ cử người canh lực lượng chức năng, lực lượng cảnh sát giao thông, luôn tìm cách đối phó, dừng đón khách rất nhanh. Khi các nhà xe thấy cảnh sát thì không đón, khi vắng bóng cảnh sát là dừng đón khách chớp nhoáng. Khi lực lượng chức năng, lực lượng liên ngành kiểm tra, xử lý liên tục, một số bến bãi, nhà xe sẽ di chuyển đến địa điểm khác gần đó đón, trả khách tạm hoặc đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tăng cường, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động vận tải hành khách, tuy nhiên khi kiểm tra các xe hợp đồng, xe du lịch thì phần lớn đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ, nên công tác xử lý của cảnh sát giao thông chủ yếu là xử lý hành vi dừng, đỗ không đúng quy định.
Đó là chưa kể hiện nay cơ sở dữ liệu của Bộ Giao thông vận tải về thiết bị giám sát hành trình vẫn chưa hoàn thiện; việc xác định vị trí, thời gian dừng, đỗ, lái xe, hành trình của xe chưa thật sự chính xác để có cơ sở xử lý vi phạm triệt để.