Sáng 11.6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM đã họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó có đề cập việc thành lập tổ mua và tiêm vắc xin.

TP.HCM thành lập tổ mua và tiêm vắc xin

Tú Viên | 11/06/2021, 16:36

Sáng 11.6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM đã họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó có đề cập việc thành lập tổ mua và tiêm vắc xin.

Đáng chú ý trong cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Thành phố hiện đang thành lập 1 tổ mua và tiêm vắc xin do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và một số các chuyên gia trong ngành y tế trong việc đàm phán, tham mưu và tiêm vắc xin.

“Tuy nguồn cung ứng vắc xin không cung ứng cùng một lúc, nhưng giúp chúng ta giải quyết được mục tiêu đặt ra (2/3 dân số của TP.HCM được tiêm trong năm nay) cần phải có lộ trình đối tượng nào ưu tiên trước. Mặc dù, có rất nhiều đối tượng cần tiêm vắc xin, nhưng trong điều kiện lượng vắc xin cung ứng có hạn nên phải có lộ trình, ưu tiên như thế nào… mục tiêu của chúng ta cố gắng tiêm vắc xin đầy đủ cho người dân Thành phố bên cạnh chương trình tiêm vắc xin của cả nước”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phát biểu.

Trước đó, tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 tổ chức sáng 10.6, ông Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: "Mục tiêu của TP.HCM là tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân thành phố. Do nguồn cung không thể có một lúc, nên phải theo lộ trình. Cố gắng trong năm 2021 phải tiêm được 2/3 người dân thành phố đang trong độ tuổi được tiêm vắc xin. Hiện nguồn vắc xin đang được đàm phán với nhà cung ứng, tùy loại vắc xin được quy định tiêm cho từ độ tuổi nào".

Theo Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, trong đợt 1 với nguồn vắc xin AstraZeneca, TP.HCM được phân bổ 1,6 triệu liều, như vậy, còn 5,6 triệu người dân thành phố (tính từ 15 tuổi trở lên) chưa được tiêm ngừa.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp sáng nay, trong thời gian tới, TP.HCM cần tiếp tục truy vết khoanh vùng dập dịch khẩn trương và triệt để tại các khu vực phát hiện ca mắc COVID-19, khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát các địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận; đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng. Riêng đối với các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ có ca bệnh phải tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người làm việc tại các địa điểm này.

Từ thực tế coi xét nghiệm là biện pháp khoanh vùng dập dịch hiệu quả trong lúc chờ vắc xin, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu: “Ngành y tế cần tăng cường năng lực xét nghiệm, huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, huy động sinh viên trường y, bệnh viện hình thành các tổ xét nghiệm để phấn đấu trong thời gian tới lấy 100.000 mẫu đơn/ngày; phát huy hết công suất xét nghiệm của các cơ sở y tế TP.HCM và phối hợp với các cơ sở y tế Trung ương, cơ sở y tế tư nhân và triển khai các phần mềm bằng công nghệ thông tin để quản lý, điều phối việc xét nghiệm đảm bảo nhu cầu chống dịch kịp thời”.

Cũng liên quan vấn đề vắc xin, tân Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi trong cuộc họp sáng nay đã có chỉ đạo khi TP.HCM triển khai chiến lược vắc xin, cần phải có ứng dụng chuyển đổi số để quản lý chất lượng, lịch tiêm, minh bạch sự đóng góp…

Ngoài ra, liên quan đến việc sắp tới TP.HCM tiếp tục hay ngưng giãn cách xã hội, ông Phan Văn Mãi cho rằng, trên tinh thần đánh giá kỹ tình hình sẽ áp dụng các hình thức cho phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM thành lập tổ mua và tiêm vắc xin