Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 vào chiều 13.1.2022.
Theo bà Mai, đến thời điểm này, TP phát hiện 12 ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể Omicron được cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Toàn bộ 12 ca nhiễm biến thể Omicron đều là những ca nhập cảnh, được cách ly ngay khi xuống sân bay, chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Điều đáng nói, trong số 12 ca nhiễm biến thể Omicron chỉ có 2 ca sổ mũi nhẹ và ho ít đờm, còn lại các ca khác đều không có triệu chứng. “Đến chiều nay (13.1) cả 12 ca trên đều đã khỏe mạnh và được xuất viện”, bà Mai nói.
Nhận định về khả năng lây lan của biến thể Omicron trong các ca bệnh tại TP.HCM, bà Mai cho biết qua điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần (F1) không phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19. “Chúng tôi đã điều tra dịch tễ được 2.000 F1 của 12 bệnh nhân mắc COVID-19 nhiễm biến thể Omicron, nhưng tất cả các trường hợp F1 này đều âm tính”, bà Mai cho biết thêm.
Liên quan đến chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ từ 65 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền, bà Mai cho biết đến nay chiến dịch này đã phát hiện 25.837 người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhưng hiện đã tiêm được 18.493 người, chiếm 71,6%. Qua chiến dịch cũng phát hiện trên 5.000 người bị mắc COVID-19. Như vậy, số người chưa tiêm còn lại là nằm trong nhóm mắc COVID-19 và chống chỉ định tiêm và không đồng ý tiêm.
“Những người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm có nhiều lý do, nhất là viện lý do không đi đâu nên không cần tiêm. Để làm tốt công tác tiêm vắc xin cho nhóm người này, chúng tôi đã triển khai “đi từng ngõ gõ từng nhà” để tư vấn, thuyết phục tiêm tại nhà những đối tượng nguy cơ mà chưa được tiêm. Đồng thời phát tờ rơi cho những người chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ, chưa tiêm vắc xin để biết cách chăm sóc, bảo vệ”, bà Mai chia sẻ.
Hiện TP tiếp tục thực hiện đợt 3 xét nghiệm cho người thuộc nhóm nguy cơ từ 65 tuổi trở lên và người mắc bệnh nền trong tháng 1.2022 này; đến giữa tháng 2.2022, TP tiếp tục mở rộng nhóm có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho những người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền và người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khẳng định dù hiện nay TP đã là vùng xanh, nhưng vẫn phải thực hiện truy vết các trường hợp liên quan đến người mắc COVID-19.
Theo ông Tâm, hiện nay TP đã trở thành vùng xanh, các hoạt động đang dần trở lại bình thường. Thành phố đã thực hiện có hiệu quả việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Do đó, để giữ cho TP đạt được vùng xanh và các hoạt động trở lại bình thường, các hoạt động phòng chống dịch càng không được lơ là, thậm chí còn phải làm gắt gao hơn, cẩn trọng hơn. “Chính vì vậy, hoạt động truy vết vẫn phải thực hiện và làm chặt chẽ hơn”, ông Tâm nhấn mạnh.
Ông Tâm cho rằng việc khai báo, truy vết hiện nay cũng rất quan trọng, giúp không bỏ sót ca nghi ngờ, nhưng không cách ly tràn lan, không cần thiết sẽ làm hao phí nguồn lực chống dịch. Việc cách ly vẫn phải thực hiện phù hợp với tình hình mới theo hướng dẫn số 11092 ngày 29.11.2021 của Bộ Y tế.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 12.1.2022, TP có 510.195 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 509.542 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 653 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 4.152 bệnh nhân, trong đó có 82 trẻ em dưới 16 tuổi, 301 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 12.1 có 275 bệnh nhân nhập viện, 292 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số bệnh nhân xuất viện từ ngày 1.1.2021 đến nay lên 313.141bệnh nhân ), 19 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số ca tử vong từ ngày 1.1.2021 đến nay lên 20.182 ca).
Tổng số mũi vắc xin mà TP đã triển khai tiêm đến ngày 12.1.2022 được 8.079.259 mũi 1; 7.226.684 mũi 2; 492.691 mũi bổ sung và 3.074.870 mũi nhắc lại.