Bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM đang bùng phát mạnh, số ca mắc, đặc biệt là ca nặng tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm. Ngành y tế TP dự báo sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát thành dịch.

TP.HCM ứng phó thế nào trước dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh?

Hồ Quang | 28/04/2022, 17:47

Bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM đang bùng phát mạnh, số ca mắc, đặc biệt là ca nặng tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm. Ngành y tế TP dự báo sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tình hình sốt xuất huyết ở địa phương đang trong tình trạng báo động đỏ. Tính đến giữa tháng 4.2022, TP đã ghi nhận hơn 4.500 ca sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện.

Chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, nhiệm vụ giải pháp tháng 5 và công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM năm 2022 vào chiều 28.4, bà Lê Thiện Quỳnh Như – Phó chánh văn phòng Sở Y tế đánh giá tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay so với năm 2019 (năm bùng phát thành dịch) đang rất báo động và phức tạp.

tphcm-ung-pho-nhu-the-nao-truoc-tinh-trang-sot-xuat-huyet-bung-phat-manh-hinh-anh(1).png
Trẻ mắc sốt xuất huyết được điều trị tại một cơ sở y  tế trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PV 

Năm 2019 với hơn 20.000 ca sốt xuất huyết, nhưng số ca nặng chỉ có 38 ca. Trong khi đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ của năm 2020 và 2021. “Tình hình dịch sốt xuất huyết tại TP trong năm 2022 này sẽ diễn biến phức tạp, nhất là trong 2 năm qua TP dồn sức cho công tác phòng chống dịch COVID-19”, bà Như nói.

Để sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, bà Như cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP kiểm tra tập huấn nhắc lại cho các cơ sở y tế công – tư trên địa bàn, tất cả các nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong quá trình điều trị.

Sở Y tế cũng sẽ tham mưu cho UBND TP chỉ đạo hoạt động phối hợp từ các sở, ngành đến UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức để cả hệ thống chính trị cùng tham gia ứng phó với dịch sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai ngay các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, trong đó cần tăng cường hoạt động truyền thông đến từng nhà người dân và có biện pháp xử phạt các cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp chống sốt xuất huyết theo quy định.

Bà Như cho rằng, các hoạt động truyền thông giữ vai trò quan trọng trong hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, nên mỗi người dân cần hiểu tình hình dịch bệnh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cũng như nhận biết được các dấu hiệu sớm của bệnh để kịp thời đưa người bệnh vào các cơ sở y tế.

Thời tiết nắng nóng liên tục xen lẫn các cơn mưa bất chợt tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh lăng quăng cũng như muỗi gây sốt xuất huyết. “Mỗi người dân cần phải hành động ngay để bảo vệ cho chính mình và người thân”, bà Như nhấn mạnh.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần quan tâm thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi để chung tay phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể, dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước giúp lăng quăng phát triển. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến. Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước (dùng trong cúng tế) ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối…

Liên quan đến việc triển khai phòng chống dịch COVID-19 trong dịp lễ 30.4 và 1.5, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật cho biết hiện nay TP thực hiện thích ứng an toàn. Hiện nay số ca mắc COVID-19 ở TP đã giảm mạnh, luôn dưới 100 ca bệnh/ngày, tỷ lệ tiêm vắc xin đạt độ bao phủ cao.

Mới đây, Bộ Y tế đã chỉ đạo bỏ khai báo y tế khi nhập cảnh, TP cũng đã triển khai bỏ điều này, người nhập cảnh chỉ cần kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ và test nhanh âm tính trong vòng 24 giờ.

Dù vậy, TP vẫn khuyến cáo người dân nên mang khẩu trang nơi đông người, sát khuẩn, khi có dấu hiệu thì phải kiểm tra, nếu phát hiện mắc COVID-19 thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như quy định.

Bài liên quan
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM ứng phó thế nào trước dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh?