Chiều 27.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP trong 24 giờ qua.

TP.HCM: Xét nghiệm nhanh với 1.117.000 test, phát hiện gần 42.400 trường hợp dương tính

Tú Viên | 28/08/2021, 05:03

Chiều 27.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP trong 24 giờ qua.

8g9a1917.jpg
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

Về các mặt đạt được, theo Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải, ý thức chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội của người dân được nâng lên; lưu lượng tham gia giao thông giảm mạnh so với trước; công tác xét nghiệm được đẩy nhanh; an sinh xã hội được nhanh chóng triển khai, bước đầu đảm bảo đời sống của nhân dân.

Về hạn chế, việc giãn cách ở một số nơi thực hiện chưa thật sự nghiêm, một bộ phận người dân vẫn ra đường không có lý do. Cơ quan chức năng đã lập biên bản 2.491 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại một số nơi, việc hỗ trợ cho người dân còn thực hiện chậm, chưa kịp thời, nhịp nhàng.

Thông tin về y tế

Tính đến 06 giờ ngày 27.8.2021, có 194.596 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 194.159 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 437 trường hợp nhập cảnh (tối 27.8, Bộ Y tế công bố TP.HCM có thêm 5.383 ca - PV)

Hiện đang điều trị 38.559 bệnh nhân, trong đó: có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.739 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 26.8: có 2.236 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01.01.2021 đến nay là 99.955), 287 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01.01.2021 đến nay là 8.097).

Từ 18 giờ ngày 25.8.2021 đến 18 giờ 26.8.2021 đã lấy 377.390 mẫu xét nghiệm. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, ngành y tế đã tăng cường phát hiện F0 trong cộng đồng thông qua xét nghiệm có trọng tâm, có chiến lược tại các vùng đỏ, vùng cam. Từ đó, đưa ra chiến lược phù hợp với từng địa phương.

Tính đến hiện tại, một số quận huyện đã chuyển vòng 2 trong công tác xét nghiệm nhanh với 1.117.000 test và phát hiện gần 42.400 trường hợp dương tính (3,5%).

Với tỉ lệ này, số ca mắc trong cộng đồng vẫn ở mức độ chấp nhận được.

Về vắc xin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 26.8.2021 là 5.741.654 (tăng 113.926 mũi vắc xin so với ngày 25.8.2021) trong đó tổng số mũi 1 là 5.485.507, mũi 2 là 256.147. Về kế hoạch tiêm mũi 2 cho người dân, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngành y tế đã lưu trữ dữ liệu của những người đã tiêm mũi 1, khi đến thời hạn tiêm mũi 2, người được tiêm sẽ nhận được thông báo của ngành y tế.

Thông tin về trạm y tế lưu động, Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TP.HCM đã triển khai hơn 400 trạm y tế lưu động để hỗ trợ cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà. Việc này không chỉ tăng cường chăm sóc F0 đang điều trị mà còn góp phần giải quyết trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh ban đầu cho những trường hợp mắc các bệnh khác. Nhân sự các trạm y tế lưu động cơ bản đáp ứng đủ, các trạm đã đi vào hoạt động và giải quyết kịp thời nhiều nhu cầu của người dân.

Về túi thuốc điều trị cho bệnh nhân F0, hiện tại có 3 nhóm thuốc. Cụ thể, nhóm A gồm các loại thuốc thông thường, nhóm B có thêm một số thuốc đặc hiệu được sử dụng theo chỉ định bác sĩ, nhóm C bổ sung thuốc kháng vi rút cần sự kiểm soát nghiêm ngặt và quản lý đặc biệt.

Về an sinh

TP.HCM đã tiếp nhận 125 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong ngày (lũy kế từ ngày 11.7.2021 đến 27.8.2021: 577 người);

Tiếp nhận 32 đối tượng cai nghiện ma túy, trong đó vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2 19 người, vào Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu 13 người (lũy kế từ ngày 11.7.2021 đến 27.8.2021: 172 người).

Thông tin về các gói hỗ trợ, theo đại diện Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, trước tình dịch bệnh phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều người dân phát sinh khó khăn, bên cạnh việc triển khai Nghị quyết 09, Nghị quyết 68, Nghị quyết 23, TP đã ban hành văn bản 2627 để thực hiện chính sách bổ sung và văn bản 2799 cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19.

Về tình hình giao thông

Lượng phương tiện lưu thông trung bình cả ngày 26.8 (số liệu tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường chính): Lượng xe lưu thông (xe quy đổi PCU/h): 295 PCU/giờ, giảm 88% so với trung bình ngày thường; tăng 16% so với ngày 25.8.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng thông tin thêm, Sở cùng các lực lượng liên quan thường xuyên có các cuộc họp để giải quyết tốt nhất việc lưu thông hàng hoá. Qua theo dõi của Sở Giao thông Vận tải, các chốt kiểm soát trên địa bàn TP không xảy ra tình trạng ùn tắc.

Liên quan đến việc cấp luồng xanh, QR code, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải thực hiện tốt công tác này, không xảy ra vướng mắc, đặc biệt ưu tiên giải quyết các mặt hàng vật tư y tế, oxy.

Về tình hình cung ứng sách giáo khoa

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ cuối năm học 2020-2021, Sở đã chỉ đạo các đơn vị thống kê số lượng, nhu cầu sách để chuyển cho các nhà xuất bản chuẩn bị cho năm học mới. Đến nay, số lượng sách giáo khoa cơ bản đã về TP.HCM, trong đó, 70% sách dành cho tiểu học đã chuyển về các trường. Sở cũng phối hợp với nhà xuất bản chuyển sách giáo khoa điện tử về các trường và thông tin đến phụ huynh để sử dụng trước.

Sở đã tham mưu UBND TP bổ sung sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu vào đầu năm học, giúp việc cung ứng sách đến các trường, phụ huynh và học sinh được thuận tiện. Sở cũng chỉ đạo hệ thống đơn vị, cơ sở giáo dục thống kê nhu cầu sách giáo khoa từ phụ huynh, yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND các quận huyện các phương án cung ứng, vận chuyển sách.

Tình hình cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, việc cung ứng hàng hoá theo phương án đi chợ hộ là hình thức mới, dẫn đến một số đơn vị chưa có kinh nghiệm, chuyên môn trong việc thực hiện. Trước tình hình đó, để giải quyết kịp thời khó khăn cho người dân, Sở Công thương đã phân công các đầu mối của Sở tại các địa bàn quận, huyện và cung cấp số điện thoại để người dân liên hệ khi cần thiết.

Nếu gặp trường hợp hàng hoá giao trễ, hư, hỏng, người dân có thể liên hệ với tổ dân phố, UBND phường, Phòng Kinh tế quận, huyện hoặc các đầu mối của Sở Công thương.

Công tác tiếp nhận thông tin tại tổng đài 1022

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường cho biết, Cổng thông tin 1022 hiện tại có sự tham gia của 86 đơn vị 625 đầu mối để cung cấp thông tin cho người dân. Quy trình xử lý được giám sát để bảo đảm thông tin được chuyển đến các cấp chính quyền kịp thời.

Để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cổng thông tin 1022 tổ chức các kênh bao gồm:

- Phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 0);

- Gửi ý kiến góp ý, hiến kế của người dân gửi đến Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 1);

- Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 2);

- Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 3);

- Kết nối với Mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn TP.HCM (gọi 1022 – nhấn phím 4).

Hiện nay, Cổng thông tin 1022 đã có 05 kênh tiếp nhận chính, bao gồm thoại, thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo).

Theo thống kê, Cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận và chuyển hơn 47.000 tin phản ánh, tin báo của người dân liên quan đến các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đến UBND TP Thủ Đức, quận - huyện và cơ quan chức năng các cấp. Hơn 80% số tin đều được các cơ quan, đơn vị xử lý, giải đáp và cung cấp thông tin cho người dân kịp thời.

Công tác xử lý tin giả, tin sai sự thật

Theo Phó Giám đốc Sở TT-TT Từ Lương, từ giai đoạn tháng 6 đến đầu tháng 8, các dấu hiệu khoanh vùng tin giả, tin sai sự thật tập trung vào 5 nhóm: thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc về việc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc phân biệt tâm lý vùng miền; tung tin giả sai sự thật về việc công bố hiệu quả các loại vắc xin; xuyên tạc chính sách bổ sung, phân bổ vắc xin của chính phủ; diễn biến về dịch bệnh ở các điểm nóng; xuyên tạc khả năng cung ứng vắc xin của một số đơn vị, doanh nghiệp và các biện pháp phòng chống dịch của TP.HCM.

Từ giai đoạn đầu tháng 8 đến nay, các tài khoản trên mạng xã hội có hiện tượng xây dựng hòan cảnh, câu chuyện xúc động, không có thật, để lấy niềm tin của cộng đồng. Sở đang tập trung đấu tranh, xử lý và phối hợp với Công an TP, Cục Phát thanh Truyền hình Thông tin Điện tử để có kết quả công bố sớm nhất. “Quan điểm của TP không ngoại lệ với bất kì tổ chức, cá nhân nào”, Phó Giám đốc Sở TT-TT Từ Lương cho biết.

Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm lưu ý các cơ quan báo chí việc giật tít, sử dụng tranh ảnh mang nội dung không mong muốn. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan không thông tin mất cân bằng về các mặt khác nhau của công tác chống dịch.

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, công tác phòng, chống dịch đã đi đúng hướng và đang tiếp tục dồn lực củng cố, kiện toàn. Báo chí cần phản ánh lại những điều dân còn bức xúc, những điều chưa ổn để cùng chính quyền tháo gỡ, giải quyết.

Theo Trung tâm báo chí TP.HCM

Bài liên quan
TP.HCM hướng dẫn về tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2024-2025
Ngày 26.4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn về tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2024-2025 đến phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Xét nghiệm nhanh với 1.117.000 test, phát hiện gần 42.400 trường hợp dương tính