TP.HCM yêu cầu các chợ truyền thống phải chia ngày đến chợ theo ngày chẵn lẻ nhằm giãn cách vị trí và có thể bảo đảm việc phục vụ người dân khi có tình huống khẩn cấp.

TP.HCM yêu cầu ‘chia nhau’ đi chợ theo ngày chẵn lẻ

Hồ Đông | 12/07/2021, 18:39

TP.HCM yêu cầu các chợ truyền thống phải chia ngày đến chợ theo ngày chẵn lẻ nhằm giãn cách vị trí và có thể bảo đảm việc phục vụ người dân khi có tình huống khẩn cấp.

Ngày 12.7, Sở Công Thương TP.HCM vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND TP.Thủ Đức và quận huyện, đơn vị quản lý chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM về hướng dẫn các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ truyền thống.

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị UBND TP.Thủ Đức và quận huyện rà soát, chấn chỉnh, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ trên địa bàn. Cụ thể, Sở yêu cầu kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng “Vietnam Health Declaration” và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Đặc biệt, Sở sẽ phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ tại các chợ nhằm phân luồng di chuyển cho khách đi chợ giữa các khu vực, các ngành hàng trong chợ theo hướng một chiều từ khi vào chợ cho đến khi ra khỏi chợ; điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm.

Cơ quan này cũng sẽ rà soát, bố trí khu vực để giãn cách vị trí giữa các tiểu thương, tận dụng các khu vực trống trong chợ như khu kinh doanh thức ăn, sân chợ… để tổ chức khu vực kinh doanh phù hợp; đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc, giao dịch hàng hóa.

Cùng với đó, các chợ truyền thống phải chia ngày đến chợ theo ngày chẵn lẻ nhằm giãn cách vị trí và có thể bảo đảm việc phục vụ người dân khi có tình huống khẩn cấp.

the-ra-vao-cho-tphcm.jpeg
Chợ Bình Thới (quận 11) là chợ đầu tiên triển khai mô hình đi chợ bằng thẻ có đánh số, thẻ in mã code QR

Sở Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ nghiên cứu, khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ. Song song đó là nghiên cứu các mô hình đã triển khai hiệu quả tại các đơn vị (như các đoàn thể hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên… tổ chức “đi chợ thay”, “đi chợ online”... và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ. Thành phố sẽ tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch tại chợ như không đeo khẩu trang, không thực hiện khai báo y tế…

Trước đó, trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân trên địa bàn quận 3 được chính quyền phát phiếu đi siêu thị theo ngày chẵn hoặc ngày lẻ để thực hiện giãn cách xã hội cũng như đảm bảo cho người dân mua được thực phẩm.

Mỗi người đi siêu thị cầm theo một tờ phiếu do chính quyền địa phương phát để trình cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Trên phiếu có thông tin đại diện gia đình, số điện thoại, địa chỉ, tổ dân phố, phường và có dấu đỏ của Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường. Phiếu chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 15 ngày và chỉ có hiệu lực sử dụng khi có dấu Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường nơi lưu trú.

Theo số liệu của Sở Công Thương TP.HCM, toàn thành phố có đến 148/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối, 6/106 siêu thị, 94/2.626 cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Như vậy, đến nay đã có khoảng 2/3 số chợ truyền thống, bao gồm 3 chợ đầu mối của TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động, trong đó nhiều quận có số lượng chợ truyền thống đóng cửa chiếm lượng lớn, thậm chí tuyệt đối.

Cụ thể, TP.Thủ Đức đã ngưng hoạt động 20/34 chợ, 5 chợ đã thực hiện phát thẻ ra vào chợ có gắn mã QR code; quận 1 có 4/5 chợ tạm ngưng; Hóc Môn có 11/12 chợ tạm ngưng; quận 8 tạm ngưng 12/12 chợ, một số cửa hàng, siêu thị như Co.opmart, San Hà phát phiếu đi ngày chẵn lẻ…

Việc lượng chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động nhiều khiến một số mặt hàng bán ra tại các chợ còn hoạt động tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng rau, củ. Tuy vậy, theo Sở Công thương TP.HCM, lượng hàng hóa thiết yếu vẫn đổ về TP.HCM ổn định nhờ các kênh thay thế cho lượng chợ tạm ngưng, đặc biệt là kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nên nhìn chung nguồn cung không thiếu hụt cho nhu cầu của người dân.

Cách sử dụng "thẻ ra vào chơ"

Nhằm kiểm soát, phân chia, điều phối số lượng người đến chợ và phục vụ việc truy xuất thông tin, hỗ trợ công tác khoanh vùng, truy vết được nhanh chóng, Sở Công Thương còn hướng dẫn thực hiện giải pháp áp dụng “thẻ ra vào chợ”. Cụ thể, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ, cách 2 ngày/lần hoặc cách 3 ngày/lần.

Mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ vào chợ/30 ngày. “Thẻ ra vào chợ” có giá trị sử dụng 1 lần/1 chợ bất kỳ trên địa bàn phường, xã trong TP.Thủ Đức, quận, huyện.

Đối với trường hợp trên địa bàn phường, xã không có chợ hoặc có chợ nhưng phải tạm ngưng hoạt động, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị tuyên truyền, thông tin đến người dân mạng lưới cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn, thời gian hoạt động, đầu mối liên lạc, các kênh mua sắm trực tuyến để người dân nắm bắt thông tin, liên lạc khi giao dịch, mua bán.

Đồng thời, những đơn vị này liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa (Saigon Co.op, SATRA, Bách Hóa Xanh…) tiếp nhận thông tin về nguồn hàng cung cấp thông tin cho người dân trên địa bàn đăng ký nhu cầu mua sắm; chuyển thông tin đăng ký cho các đơn vị cung ứng chuẩn bị đơn hàng.

Bài liên quan
Có kết quả xét nghiệm 53 F2 của ca COVID-19 đi xe tải từ TP.HCM về An Giang
Trưa 12.7, theo nguồn tin của PV Một Thế Giới, đã truy vết được 53 F2 tại các xã Vĩnh Khánh, Phú Thuận, Vĩnh Chánh, Định Thành, Định Mỹ, Vĩnh Trạch, Vọng Đông, TT.Phú Hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM yêu cầu ‘chia nhau’ đi chợ theo ngày chẵn lẻ