Hai bức tranh của danh họa Việt Nam Mai Trung Thứ và Lương Xuân Nhị gây bất ngờ tại phiên đấu giá ở Pháp.
Phiên đấu giá Peintres & Arts du Vietnam của nhà Aguttes đang diễn ra từ lúc 14 giờ 30 ngày 30.9.2021 (19 giờ 30, giờ Việt) tại Pháp. Có 204 lô hàng được đưa lên sàn, chủ yếu là của hoặc liên quan tới Việt Nam cho thấy sự quan của Aguttes dành cho các tác phẩm, vật phẩm nghệ thuật của Việt Nam là rất lớn.
Ở mảng hội họa, tranh của danh họa Mai Trung Thứ trong phiên đấu giá lần này vượt trội về số lượng và giá bán. Trong khi đó tác phẩm của họa sĩ Lương Xuân Nhị cũng gây bất ngờ khi được các nhà sưu tập quốc tế mua với giá khá cao.
Cụ thể là bức tranh Le tricot (Đan len, mực và màu trên lụa, 65,5cm x 40,5cm, 1941) của danh họa Lương Xuân Nhị có giá ước định từ 160.000 - 200.000 EUR nhưng được bán cuối cùng với giá 590.000 EUR, tương đương 15,5 tỉ đồng.
Về tranh của danh họa Mai Trung Thứ, bức La cérémonie du thé (Trà đàm, mực và màu trên lụa, 55,8cm x 55,8cm, 1971) có giá ước định từ 300.000 - 500.000 EUR, kết quả gõ búa (pré-adjugé à) 560.000 EUR, tương đương 14,7 tỉ đồng.
Tiếp theo đó là bức La danse du foulard (Điệu múa khăn quàng cổ, mực và màu trên lụa, 81cm x 31cm, 1979) có giá ước định 200.000 - 300.000 EUR, kết quả gõ búa 200.000 EUR, tương đương 5,2 tỉ đồng.
Theo quan sát của giới nghiên cứu mỹ thuật và các nhà sưu tập tranh của Việt Nam thì hiện có đến 3 bức tranh có tên là "Trà đàm" được cho là của danh họa Mai Trung Thứ vẽ, trong đó có hai bức bị nghi ngờ là tranh giả.
Về bức Trà đàm được nhà Aguttes vừa bán trong phiên đấu giá nói trên được nhận định là khả tín nhất, vì có lai lịch rất rõ ràng. Về kỹ thuật tranh có bảng màu cùng thủ pháp tạo hình đặc trưng đầy biểu cảm của danh họa Mai Trung Thứ.
Trước đó một bức Trà đàm khác bị nghi là tranh giả từng xuất hiện tại phiên đấu giá của nhà Sotheby's Hồng Kông hồi tháng 10.2020, bức tranh sau đó được một nhà sưa tập mua với giá hơn 517.667 USD.
Các giám tuyển mỹ thuật của Việt Nam cho rằng Trà đàm của nhà Sotheby's Hồng Kông là "có bàn tay nhào nặn của ông Jean-Francois Hubert - người xưng là chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam".
Ông Hubert cũng là người từng bảo chứng cho Những bức tranh trở về từ châu Âu của một nhà sưu tập Việt Nam triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hồi tháng 7. 2016. Thế nhưng phần lớn tranh trong triển lãm này bị giới chuyên môn đánh giá là tranh giả. Vụ việc gây xôn xao dư luận và tạo chú ý cho giới mỹ thuật lẫn truyền thông trong nước và quốc tế.