Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 19.9 đã ban hành các quy tắc về danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” được đề xuất, một phần của sự rạn nứt ngày càng gia tăng với Mỹ.

Trả đũa Mỹ, Trung Quốc ban hành quy tắc về danh sách thực thể không đáng tin cậy

19/09/2020, 11:30

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 19.9 đã ban hành các quy tắc về danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” được đề xuất, một phần của sự rạn nứt ngày càng gia tăng với Mỹ.

Sau khi Mỹ cấm TikTok và WeChat, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành các quy tắc về danh sách “các thực thể không đáng tin cậy”

Theo Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng sẽ nhắm vào các công ty cùng cá nhân nước ngoài gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.

Sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan bổ sung với hàng hóa Trung Quốc và hạn chế Huawei vào năm ngoái, Trung Quốc thề sẽ lập một danh sách nhằm trừng phạt các công ty nước ngoài bị coi là có hại cho lợi ích của Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc vẫn chưa công bố danh sách.

Hôm 18.9, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ loại WeChat và TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng ở nước này bắt đầu từ đêm 20.9. Đây là động thái sẽ chặn người Mỹ tải xuống hai ứng dụng do Trung Quốc sở hữu vì lo ngại chúng gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.

Sáng 19.9, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết “kiên quyết phản đối” quyết định loại WeChat và TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của Mỹ bắt đầu từ đêm 20.9.

“Nếu Mỹ không sửa chữa những sai lầm của mình thì Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”, Bộ Thương mại Trung Quốc nói thêm nhưng không cho biết chi tiết.

Về danh sách thực thể không đáng tin cậy, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Danh sách này sẽ nhắm vào các công ty và cá nhân nước ngoài vi phạm các giao dịch thị trường bình thường ở nước này, làm gián đoạn các giao dịch với các công ty Trung Quốc hoặc thực hiện các biện pháp phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc”.

Tháng 5.2020, tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc đưa tin các biện pháp này sẽ nhắm vào các công ty Mỹ như Apple, Cisco Systems, Qualcomm, đồng thời đình chỉ việc mua máy bay Boeing.

Bộ Thương mại Trung Quốc tiết lộ danh sách này sẽ giúp “bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển, duy trì trật tự kinh tế, thương mại quốc tế công bằng và tự do, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc, các tổ chức hoặc cá nhân khác”.

Các nhà chức trách Trung Quốc sẽ thiết lập một cơ chế làm việc và một văn phòng để giúp thực hiện các công việc liên quan đến danh sách.

Bộ này cho biết Trung Quốc sẽ cấm các công ty nước ngoài được liệt vào danh sách thực thể không đáng tin cậy tham gia vào xuất nhập khẩu và đầu tư vào nước đông dân nhất thế giới. Các công ty nước ngoài có thể được loại khỏi danh sách nếu sửa chữa hành vi và thực hiện các bước để loại bỏ hậu quả từ hành động của họ.

Mỹ cấm TikTok và WeChat, Trung Quốc có thể tấn công Apple để trả đũa

Hôm 4.9, Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm việc với các cơ quan khác để xác định xem có nên thêm SMIC vào danh sách thực thể của Bộ Thương mại hay không. Điều này sẽ buộc các nhà cung cấp của Mỹ phải tìm kiếm các giấy phép khó xin trước khi giao hàng cho SMIC. Cổ phiếu của SMIC giảm gần 1/4 do tin tức này.

Thời điểm đó, SMIC cho biết họ "hoàn toàn bị sốc" trước thông tin đó nhưng sẵn sàng liên lạc với các cơ quan Chính phủ Mỹ với hy vọng giải quyết mọi hiểu lầm.

Trong khi một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ động cơ của hành động được đề xuất, mối quan hệ của SMIC với quân đội Trung Quốc đang được giám sát chặt chẽ khi chính quyền Trump ngày càng tập trung vào sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc, theo Reuters,.

Danh sách thực thể đã được chính quyền Trump sử dụng như một công cụ chống lại các công ty Trung Quốc đang bị giám sát ở Washington vì những lo ngại về an ninh quốc gia, từ gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies đến nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision.

Một quy định mới vào tháng 5 vừa qua không cho phép nhà sản xuất giao chip cho Huawei mà không có sự chấp thuận từ Chính phủ Mỹ nếu những chip đó được làm bằng công nghệ Mỹ.

15.9 vừa qua là ngày cuối cùng TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing) có thể giao chip cho Huawei mà không cần giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ. Huawei là khách hàng lớn thứ hai của TSMC.

SMIC là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc nhưng đứng sau đối thủ TSMC của Đài Loan, công ty dẫn đầu thị trường trong ngành này. Vừa qua, SMIC đã xây dựng các xưởng đúc để sản xuất chip để có thể cạnh tranh với TSMC. Thế nhưng, SMIC đang phải đối mặt với những hạn chế mới từ Bộ Thương mại Mỹ, cụ thể là có thể phải xin giấy phép trước khi sản xuất chip cho các hãng khác nếu dựa vào công nghệ của Mỹ. Được biết, SMIC cũng là một trong những nhà sản xuất chip cho Huawei.

Chính quyền Trump ngày càng tập trung vào các công ty Trung Quốc được hỗ trợ bởi quân đội Trung Quốc. Hôm 26.8, Mỹ đưa vào danh sách đen 24 công ty Trung Quốc vì liên quan đến các hoạt động quân sự và xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, gồm cả Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

Vài tháng qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố hai danh sách các công ty Trung Quốc được cho thuộc sở hữu hoặc sự kiểm soát của quân đội nước này, trong đó có nhà sản xuất máy bay AVIC, hai nhà mạng lớn China Mobile và China Telecom.

Nhân Hoàng

Bài liên quan
Bộ Thương mại Mỹ: Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ (USITC) công bố đầu tháng 11.2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trả đũa Mỹ, Trung Quốc ban hành quy tắc về danh sách thực thể không đáng tin cậy