Trong 6 tháng trở lại đây, tình trạng xây dựng không phép, sai phép ở TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở các quận huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý và xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay, ngó lơ cho vi phạm.

Tràn lan xây dựng không phép, TP.HCM quyết xử lý mạnh tay

07/08/2019, 06:00

Trong 6 tháng trở lại đây, tình trạng xây dựng không phép, sai phép ở TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở các quận huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý và xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay, ngó lơ cho vi phạm.

Tình trạng xây dựng không phép, sai phép ở TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp - Ảnh: Internet

Nở rộ vi phạm trật tự xây dựng

Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, tính từ năm 2017 đến hết tháng 6 năm nay, trên địa bàn thành phố có đến 6.825 công trình vi phạm, trong đó có 2.573 trường hợp xây dựng không phép hay không đủ điều kiện cấp phép xây dựng. Đa phần những vi phạm này do người dân xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Cạnh đó, thành phố cũng có 4.252 trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép, hoặc công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.

Nếu năm 2017, bình quân thành phố có 7,8 vụ vi phạm trật tự xây dựng/ngày, năm 2018 giảm còn 6,6 vụ/ngày thì trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng lên 8,5 vụ/ngày. Các trường hợp vi phạm tập trung nhiều ở các quận, huyện ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như: quận 2, quận 12, quận Bình Tân, Thủ Đức, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.

Tại huyện Bình Chánh, từ giữa tháng 3.2017 đến cuối năm 2018, các đơn vị liên quan đã phát hiện, cưỡng chế từ đầu gần 1.370 trường hợp, trong đó có gần 690 trường hợp xây dựng không phép. Trong 6 tháng đầu năm nay, huyện chỉ có 43 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B lại xảy ra hàng loạt vi phạm nổi cộm với nhiều vụ tự ý phân lô, cất nhà trên đất nông nghiệp.

Điển hình tại xã Vĩnh Lộc A, có chủ đầu tư đăng ký xây dựng nhà 2 tầng, diện tích 168 m2 nhưng khi thực hiện lại tách trái phép thành 25 căn nhà với tổng diện tích xây dựng hơn 1.130 m2. Cũng tại xã này, một hộ dân xin phép xây 3 căn nhà nhưng đến khi hoàn thành lại thành 19 căn nhà. Có trường hợp còn “biến” một công trình nhà ở thành cả một tòa chung cư, hiện đang có 200 hộ dân với khoảng 640 nhân khẩu sinh sống.

Còn tại quận Thủ Đức, trong các năm 2016, 2017, vi phạm xây dựng trên địa bàn giảm nhưng từ năm 2018 đến nay lại tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số công trình xây dựng không phép, sai phép tăng gấp đôi so với cùng kỳ (121 công trình không phép, 59 công trình sai phép). Nhiều công trình không phép chủ yếu xây dựng trên các khu đất đang quy hoạch. Đơn cử như khu vực quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Linh Trung); khu đất dự trữ xây hồ điều tiết (phường Tam Phú), Hiệp Bình Chánh (ga Bình Triệu).

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên, nguyên nhân của tình trạng này được cho là do thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng vọt. Điều này làm phát sinh tình trạng mua, bán và xây dựng trên đất nông nghiệp, phân lô trái phép ở địa bàn một số quận ven và huyện ngoại thành.

Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn còn chưa cao, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền lại rất lớn. Trong khi đó, các biện pháp chế tài không đủ tính răn đe nên một số đối tượng trục lợi vẫn cố tình vi phạm. Chưa kể, một phần nguyên nhân còn do sự quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương và yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.

Xử lý nghiêm đầu nậu, cán bộ tiếp tay

Trước tình trạng này, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương siết chặt quản lý; ngăn chặn, cưỡng chế ngay từ đầu công trình vi phạm; xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay, ngó lơ cho vi phạm.

Tại hội nghị trực tuyến “Xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố” do UBND TP.HCM tổ chức cuối tháng 7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phải tìm quy luật tồn tại của xây dựng không phép, sai phép để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.

Ông yêu cầu từ nay trở đi, xây dựng không phép, trái phép phải được phát hiện xử lý ngay, không để kéo dài với phương châm thông qua người dân, lực lượng chuyên trách và thông qua cơ chế phối hợp. Đồng thời, phải có hướng dẫn, cơ chế để có nhiều nhà ở cho người dân có nhu cầu.

Đặc biệt, thành phố phải xử lý nghiêm lực lượng xây dựng môi giới trái phép. Còn cán bộ, công chức, đảng viên phải làm đúng chức trách và nếu làm sai phải bị xử lý. Các quận, huyện phải có hội nghị chuyên đề về vấn đề lập lại trật tự xây dựng và có cam kết cán bộ, công chức, đảng viên không làm trái pháp luật. Những sai phạm xảy ra vừa qua phải xử lý xong trong quý 3 và 4; cấp ủy các nơi phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các địa phương tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Sở Tư pháp chủ trì, nghiên cứu biện pháp, giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng như: không cung cấp dịch vụ điện, nước; chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân, đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xử lý hình sự đối với các vi phạm về trật tự xây dựng; các giải pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của đối tượng vi phạm…

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tràn lan xây dựng không phép, TP.HCM quyết xử lý mạnh tay