Những khu vực có quy hoạch được duyệt là đất ở nhưng chưa có quyết định thu hồi và sử dụng đất thì người dân có đất nông nghiệp được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở và được cấp phép xây dựng.
Ngày 5.8, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết Thường trực UBND TP đã có thông báo kết luận về quyền của người sử dụng đất trong khu quy hoạch chưa có quyết định sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất được duyệt.
Theo đó, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương chỉ xem xét xử lý việc cho người sử dụng đất nông nghiệp trong các khu B, C, D thuộc Khu đô thị mới Nam TP.HCM đã có quyết định thu hồi đất, chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp từ đất lúa sang đất nông nghiệp khác.
Đồng thời, người dân có đất nông nghiệp hợp pháp tại 2 khu vực quy hoạch Đại học Hưng Long và Khu đô thị cảng Hiệp Phước cũng được phép chuyến mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp không phải xin phép nhưng phải đăng ký biến động đối với các trường hợp chuyển mục đích đất nông nghiệp.
Theo quy định, những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan chức năng là chuyển đất trồng cây hằng năm sang đất nông nghiệp khác để xây dựng nhà kính, nhà lưới, kho để vật liệu sản xuất...; chuyển đất trồng cây hằng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm.
Đáng chú ý, UBND TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương đối với khu vực có quy hoạch được duyệt là đất ở nhưng chưa có quyết định thu hồi và kế hoạch sử dụng đất thì người sử dụng đất có quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp để làm nhà ở. Người dân cũng được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở và được xem xét, cấp phép xây dựng sau khi có quyền sử dụng đất ở.
UBND TP.HCM yêu cầu sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng hướng dẫn tham mưu cho UBND TP các văn bản cụ thể liên quan đến những chủ trương trên. Sở Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý tình hình trật tự xây dựng, không để xảy ra trường hợp lợi dụng chủ trương để xây dựng không phép, sai phép, biến tướng, vi phạm pháp luật về xây dựng.
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã trình đề xuất trên lên UBND TP để cho phép thí điểm 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ được xây công trình trên đất nông nghiệp...
Với đề xuất này, TP.HCM sẽ cho phép người dân xây công trình trên đất nông nghiệp nhưng là các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như: nhà kính, nhà lưới, kho để dụng cụ nông nghiệp, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Trước đây, TP.HCM chỉ cho phép người dân xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng trên đất nông nghiệp tại các khu đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư như sân bóng đá, sân thể thao. Sau thời gian thí điểm sẽ sơ kết và nghiên cứu mở rộng tại các huyện khác.
Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất xây dựng các loại công trình như trên không cần được nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Người sử dụng đất chỉ cần đăng ký biến động với cơ quan có thẩm quyền.
Trước đó, tại Hội thảo nhà ở xây dựng không phép và sai phép trên địa bàn vùng ven TP.HCM trong quá trình đô thị hóa diễn ra giữa tháng 4, đại diện nhiều quận huyện tại TP.HCM cho rằng tình trạng quy hoạch treo, dự án treo là một trong những nguyên nhân làm phát sinh trình trạng xây dựng trái phép. Điển hình là xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).
Theo thống kê, trong các năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn TP.HCM có hơn 2.570 công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất nằm trong quy hoạch…, chiếm hơn 53% tổng số công trình xây dựng không phép. Trong đó, việc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rồi phân lô, bán nền để xây nhà trên đất nông nghiệp đã làm phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát và làm phát sinh nhiều hệ lụỵ.
Phan Diệu