“Mẹ tôi chửi kẻ trộm ” – bài thơ giành giải B cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 2019-2020 đang là đề tài gây tranh cãi trong cộng động mạng.

Tranh cãi về bài thơ đoạt giải ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’

Tiểu Vũ | 11/04/2021, 05:33

“Mẹ tôi chửi kẻ trộm ” – bài thơ giành giải B cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 2019-2020 đang là đề tài gây tranh cãi trong cộng động mạng.

tong-van-han-tvdlc.jpg
Tác giải Tòng Văn Hân và bài thơ giành giải B báo Văn nghệ 2019-2020 - Ảnh:  Báo Văn nghệ  - TV: Ghép

Ngày 9.4, Báo Văn nghệ đã tổ chức trao giải cuộc thi Thơ 2019-2020. Theo kết quả công bố, cuộc thi năm không giải A, giải chỉ được trao cho 12 tác giả, trong đó có 2 giải B, 4 giải C, 6 giải khuyến khích.

Cuộc thi Thơ do Báo Văn Nghệ tổ chức chức kéo dài từ năm 2019 đến năm 2020 và trao giải trong năm 2021. BTC cho biết “Cuộc thi được tổ chức với mục đích góp phần nâng cao chất lượng thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới; đồng thời cuộc thi cũng là cơ hội để tìm kiếm, phát hiện những tài năng văn học trẻ”.

Trong báo cáo tổng kết, nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng biên tập báo Văn nghệ, trưởng BTC cuộc thi - đã khẳng định: “Về nội dung, tác phẩm đã phản ánh được nhiều góc độ đa chiều trong cuộc sống. Về nghệ thuật, với phương châm khuyến khích mọi sự tìm tòi và cách tân trong hình thức biểu đạt, cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ đã xuất hiện nhiều giọng thơ có cá tính; nhiều tác giả mới mẻ mà sáng tác của họ phần nào thể hiện sự tìm tòi tích cực, có trí tuệ, có khao khát. Đó là những dấu hiệu đáng mừng của một cuộc thi”.

Tuy nhiên sau khi giải được công bố, trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc trao giải của BTC lần này, trong đó đa số tập trung vào việc chê bai bài thơ giành giải B Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân (người dân tộc Thái ở Điện Biên).

Đa số ý kiến đều cho rằng “đó không phải là thơ” bởi cách thể hiện gần như “văn nói” không có vần điệu. Bài thơ cũng cho thấy cách kể chuyện của tác giả rất “trong sáng và ngây ngô”. Không chỉ dừng lại ở việc chê nội dung bài thơ, cư dân mạng còn chỉ trích BTC tổ chức, ban giám khảo tại sao trao giải cho một bài thơ như thế. "Mẹ tôi chửi kẻ trộm được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước. Còn trao giải cho bài thì hơi xem thường độc giả và xem thường thơ ca”, một độc giả nói.

ggi-nhat-1-.jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (bìa phải) - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, và nhà thơ Hữu Thỉnh (bìa trái)  -nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Đồng Chung khảo trao Giải Nhì cho các tác giả - Ảnh: Báo Văn nghệ

Luồng ý kiến khác cho rằng, ý tưởng ca ngợi sự bao dung vị tha của người mẹ trong bài thơ Tòng Văn Hân là đáng ghi nhận và trân trọng. Tác giả là một cây bút hoàn toàn mới, người dân tộc thiểu số nên việc động viên khuyến khích của BTC là cần thiết, thế nhưng việc khích lệ bằng một giải thưởng cao là điều khó chấp nhận được.

Trả lời phỏng vấn sau khi đoạt giải, tác giả Tòng Văn Hân chia sẻ: “Tôi làm thơ với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình quảng bá hình ảnh tươi đẹp trong không gian sống của người Thái nói riêng, của người miền núi trên địa phương tôi nói chung đến với đông đảo bạn đọc. Tôi thường làm và gửi thơ cho Tạp chí Văn hóa các dân tộc, Tạp chí Văn nghệ Điện Biên, Tạp chí Văn nghệ một số tỉnh bạn. Rất vui là những bài thơ của tôi gửi luôn được các tạp chí đăng tải. Việc làm này đã giúp đỡ tôi, góp phần quảng bá được nhiều hình ảnh tươi đẹp của người Điện Biên chúng tôi đến với nhiều bạn đọc khắp cả nước". 

Lý giải về việc vì sao có hiện tượng tranh cãi về bài thơ của tác giả Tòng Văn Hân, nhà phê bình văn học - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng  dư luận phản ứng với giải thưởng của BTC là điều dễ hiểu, nhưng mọi thứ cũng cần phải rạch ròi rõ ràng. 

Anh chia sẻ: “Giải B trao cho Mẹ tôi chửi kẻ trộm không phải lỗi của tác giả Tòng Văn Hân, mà là lỗi của ban chung khảo. Bây giờ dư luận đã phản ứng gay gắt như vậy, thì những người cầm cân nảy mực cần có phản hồi thật thiện chí, hoặc chứng minh mạch lạc giá trị thi ca của Mẹ tôi chửi kẻ trộm...

Xin được nhấn mạnh tác giả Tòng Văn Hân không có lỗi khi nỗ lực dự thi và đột ngột được giải cao. Mặt khác, người yêu thơ còn chửi giải thơ, nghĩa là họ còn tin tưởng và còn hy vọng vào báo Văn nghệ. Đó cũng là điều đáng mừng. Vì nhiều năm qua, trong cơn suy thoái chung của báo chí, tờ Văn nghệ không còn giữ được chất lượng như xưa nữa”.

Về phía BTC, 1 ngày sau khi giải thưởng được trao, trong bài viết đăng trên báo Văn nghệ ngày 10.4 BTC viết có đoạn:

“Mặc dù kết quả chưa được như mong muốn của cả Ban Tổ chức cũng như của những người tham dự, bởi không tìm được một “Trạng nguyên” để tôn vinh; song cuộc thi đã thể hiện sự cố gắng và quyết tâm rất cao của Ban Biên tập báo Văn nghệ, cũng như kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam...

...Kết quả của một cuộc thi không phải chỉ là những gì đang có của hôm nay, mà vốn dĩ nó đã là trầm tích của cuộc sống, được gom góp, vun vén, lắng lại trong lịch duyệt của mỗi tác giả, và cũng bởi thế mà nó sẽ trở thành một lời hứa, một dự cảm của tương lai. Cũng như cuộc sống, văn chương luôn có sự tiếp biến, kế thừa và chọn lọc. Vậy nên không chỉ những bài thơ, những tác giả có mặt hôm nay ở đây, mà còn nhiều hơn nữa là những bài thơ, những tác giả không có mặt, nhưng đã âm thầm làm nên sự đầy đặn cho cuộc sống, cho thơ ca và cho sự nhân hậu đang tồn tại trong tất cả chúng ta; hết thảy đều xứng đáng được nâng niu, trân trọng, hết thảy đều xứng đáng được nhắc đến và được tôn vinh, bởi tất cả đều mang một tên gọi chung, mong manh mà bền bỉ là thơ…"

MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM  (tác giả Tòng Văn Hân)  

Những lần gà nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

- Cái đứa trộm gà ơi

Ta cầu mong cho ngươi

Nuôi được gà đầy đàn

Lứa này tiếp lứa khác

Có nhiều gà nhất bản

Có nhiều gà nhất mường!

Những lần lợn con nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

- Đứa nào trộm lợn nhà tôi

Thì hãy có nhiều lợn

Đàn tiếp đàn núc ních

Lứa tiếp lứa không ngừng

Bán được nhiều tiền nhé !

Từ thuở bé đến giờ

Hễ nhà mình mất gà mất lợn

Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế

Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả

Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa

Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường

Nhan sắc không bằng đám bạn

Khéo léo không bằng người ta

Thế mà có hẳn bốn nhà

Muốn được tôi làm con dâu của họ.

Bài liên quan
Tác phẩm nghệ thuật vẽ trên giấy vệ sinh thời chống dịch COVID-19
Giấy vệ sinh được sử dụng rất nhiều trong thời điểm dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới… và giờ đây, một nhóm nghệ sĩ đang sử dụng nó để vẽ tranh gây quỹ chống đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi về bài thơ đoạt giải ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’