Trong khi Israel bày tỏ thất vọng về việc Ukraine bỏ phiếu chống lại họ tại LHQ thì Ukraine khẳng định sẽ tiếp tục như vậy nếu Israel không chịu cấp cho họ vũ khí.

Tranh cãi xung quanh việc Israel triệu tập đại sứ Ukraine để làm rõ lập trường của Kyiv

Chính Phong | 20/11/2022, 06:02

Trong khi Israel bày tỏ thất vọng về việc Ukraine bỏ phiếu chống lại họ tại LHQ thì Ukraine khẳng định sẽ tiếp tục như vậy nếu Israel không chịu cấp cho họ vũ khí.

Israel cho biết họ đã triệu tập đại sứ Ukraine hôm thứ ba, sau khi Kyiv bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết mở một cuộc điều tra quốc tế về việc Israel chiếm đóng kéo dài ở Bờ Tây.

Nghị quyết, được thông qua tại trụ sở LHQ ở New York vào tuần trước, yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) "khẩn trương" cân nhắc về "sự chiếm đóng, định cư và sáp nhập kéo dài của Israel đối với lãnh thổ Palestine", mà họ cho là vi phạm quyền tự quyết của người Palestine.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel hôm thứ ba, trong cuộc triệu tập đại sứ Ukraine Yevgen Korniychuk, phía Israel "bày tỏ sự không hài lòng" với quyết định bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Kyiv, đồng thời nói rõ với đại sứ rằng lựa chọn này “không thể hiện hành vi thân thiện".

Đáp lại, Đại sứ của Ukraine cho biết trong một cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Israel, ông đã lên án các hạn chế của chính quyền người Do Thái đối với việc đón nhận người Ukraine vào nước này. Các quan chức của hai nước đã gặp nhau trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các nước xung quanh cuộc chiến ở châu Âu.

israel.jpg
Đại sứ Ukraine Yevgen Korniychuk

Trong một bài đăng trên Facebook sau cuộc gặp với các nhà ngoại giao cấp cao của Israel, đại sứ Korniychuk cho biết ông “chuyển tiếp sự phẫn nộ của phía Ukraine về hành vi bảo thủ trong việc từ chối tiếp nhận một cách vô lý các công dân Ukraine vào lãnh thổ của Israel”. Đồng thời, đại sứ nói thêm rằng Kyiv coi những trở ngại đối với việc nhập cảnh là “một bước đi không thân thiện”.

Các quan chức cấp cao Ukraine đã lên tiếng về lệnh của Bộ trưởng Nội vụ Israel Ayelet Shaked giới hạn số lượng người tị nạn Ukraine được phép vào nước này, một phán quyết đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ vào tháng 7. Nhưng người Ukraine vẫn bị từ chối tại sân bay ở Israel.

Vào tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết: "Khi cuộc xung đột bắt đầu, nhiều quốc gia châu Âu đã hủy bỏ mọi hạn chế đi lại đối với người tị nạn Ukraine và giúp đỡ họ... Riêng Israel đã làm ngược lại. Israel đã vi phạm thỏa thuận và áp đặt các hạn chế về thị thực đối với việc nhập cảnh của người dân chúng tôi vào nước này”. Theo các quy định hiện hành, người Ukraine không cần thị thực cho chuyến thăm ba tháng ở Israel.

Cũng trong tuyên bố trên Facebook, đại sứ quán Ukraine tại Israel viết: "Đại sứ (Ukraine) bày tỏ sự thất vọng với lập trường của Israel, đại diện của họ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ về vấn đề bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Ukraine".

Ngược lại, bà Simona Halperin, Vụ trưởng Vụ Âu-Á, và Amir Weissbrod, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế và LHQ của Bộ Ngoại giao Israel, đã tập trung vào cuộc bỏ phiếu của Ukraine ủng hộ việc thúc đẩy một nghị quyết chống Israel tại LHQ vào ngày 11.11. Do đó, việc Israel bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu đòi bồi thường cho Ukraine vào 14.11 được coi là một phản ứng đối với điều đó.

Ngày 11.11 vừa qua, Ủy ban thứ tư của LHQ đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế "khẩn cấp" cân nhắc về cuộc xung đột Israel-Palestine và "sự sáp nhập" của Israel với tỷ lệ 98 ủng hộ, 17 phản đối và 52 trắng. Hầu hết các nước phương Tây đều bỏ phiếu chống hay trắng để thể hiện đoàn kết với Israel. Thế nhưng, Ukraine đã bỏ phiếu bất lợi cho Israel và điều này kích hoạt sự tức giận từ nhà nước Do Thái

Ngày 14.11 Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết ES-11/1.6 “Xúc tiến các biện pháp khắc phục và bồi thường cho sự tấn công đối với Ukraine” với 94 phiếu thuận, 73 phiếu trắng và 13 phiếu chống.

Trong lá phiếu trắng phải kể đến sự xuất hiện của cái tên cực kỳ bất ngờ là Israel. Từ đầu cuộc chiến tại Ukraine, Israel vốn là đồng minh thân cận của Mỹ đã luôn bỏ phiếu ủng hộ Ukraine và lên án Nga. Nhưng lần này, Israel đã quyết định bỏ phiếu trắng bất chấp việc các đồng minh khác của Mỹ ở châu Âu vẫn kiên định với lá phiếu.

Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố: “Đại sứ đã nói rõ rằng (lá phiếu của Ukraine) không phản ánh mối quan hệ giữa các quốc gia thân thiện, những người chia sẻ các giá trị, đặc biệt là về sự hỗ trợ của Israel đối với Ukraine trong một loạt các nghị quyết quan trọng của LHQ và cứu trợ nhân đạo rộng rãi”.

Người Israel cũng bày tỏ hy vọng Kyiv sẽ thay đổi lập trường khi nghị quyết được Đại hội đồng LHQ xem xét vào tháng 12.

Triệu tập, khiển trách hay họp?

Theo The Times of Israel, cả hai bên khẳng định cuộc trò chuyện tại Bộ Ngoại giao không phải là một sự khiển trách dưới bất kỳ hình thức nào, bất chấp các báo cáo ngược lại.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Yossi Zilberman nói trước cuộc họp: “Chúng tôi sẽ đưa ra quan điểm của mình. Ông ấy sẽ đưa ra quan điểm của mình”, đồng thời nói thêm: “Đó là một cuộc gặp ngoại giao thông thường”.

Đầu ngày thứ ba, Bộ Ngoại giao Israel cho biết đại sứ Korniychuk đã được triệu tập, nhưng không mở rộng chi tiết cuộc trò chuyện. Trang tin Ynet đưa tin Đại sứ Korniychuk đã bị triệu tập để khiển trách về lá phiếu của Ukraine hôm 11.11.

Đại sứ Israel tại Kyiv Michael Brodsky đã nói rằng "ủng hộ các ý định ​​chống Israel tại LHQ không giúp xây dựng lòng tin" giữa các quốc gia. Một trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng gọi cuộc bỏ phiếu là một “sai lầm nghiêm trọng”.

Trước cuộc gặp với Bộ Ngoại giao Israel, đại sứ Korniychuk nói với The Times of Israel rằng ông trước đó đã yêu cầu một cuộc gặp trong vòng 10 ngày để thảo luận về việc Israel từ chối cấp phép nhập cảnh đối với công dân Ukraine, cùng các vấn đề khác, nhưng Bộ Ngoại giao Israel đã lảng tránh yêu cầu của ông. Từ đó, đại sứ Korniychuk khẳng định: “Đó là lý do tại sao tôi được gọi đến. Tôi không bị triệu tập”.

Chất vấn về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel rằng ông đã bị triệu tập, Korniychuk nói: "Họ có thể nói bất cứ điều gì họ muốn". Nhà ngoại giao Ukraine cho biết ông sẽ bày tỏ sự thất vọng của Kyiv “về lập trường của Israel không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ vũ khí phòng thủ nào”.

Ukraine đã nhiều lần yêu cầu viện trợ quân sự và thiết bị từ Israel để chống lại cuộc tấn công của Nga vào nước này kể từ cuối tháng 2. Trong khi cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, Israel đã duy trì một chính sách nghiêm ngặt là không cung cấp viện trợ quốc phòng, bao gồm các hệ thống có thể giúp Ukraine đánh chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Đại sứ Korniychuk chỉ ra rằng Kyiv sẽ không thay đổi lập trường biểu quyết của mình tại LHQ chừng nào Israel còn giữ lại việc cấp vũ khí.

Korniychuk nói: “Lập trường của chúng tôi về các nghị quyết của người Palestine đã không thay đổi kể từ năm 1949. Chúng tôi hy vọng rằng Israel nên thay đổi quan điểm về việc bán vũ khí phòng thủ cho Ukraine, nhưng Israel đã quyết định cuộc chơi”, đồng thời đặt câu hỏi: “Tại sao chúng tôi phải thay đổi nếu họ không sẵn sàng đàm phán?”

Korniychuk cũng nói rằng cuộc điện đàm hôm thứ Hai giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz đã không đưa các bên xích lại gần nhau hơn. Ông nói: “Không có tiến triển gì cả”.

Người đứng đầu đảng Likud, Benjamin Netanyahu vẫn chưa thành lập chính phủ nhưng dự kiến sẽ thành lập trong vài tuần tới và thay thế Yair Lapid làm thủ tướng.

Không rõ liệu ông có thay đổi lập trường của Israel đối với Ukraine hay không. Người phát ngôn Điện Kremlin hồi đầu tuần đã đưa ra một thông điệp đầy hy vọng về tương lai của mối quan hệ Nga-Israel dưới thời ông Netanyahu, người có quan hệ tốt với Tổng thống Nga Valdimir Putin.

Trong khi vận động tranh cử với tư cách là lãnh đạo phe đối lập, Netanyahu đã khen ngợi quan điểm “thận trọng” của chính phủ hiện tại đối với cuộc chiến. Tuy nhiên, ông đã nói trước cuộc bầu cử rằng ông sẽ “xem xét” vấn đề cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi xung quanh việc Israel triệu tập đại sứ Ukraine để làm rõ lập trường của Kyiv