ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị vẫn duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn hoặc sở hữu lâu dài đồng thời với chung cư có thời hạn và để cho người dân được lựa chọn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là xử lý an toàn như thế nào.

Tranh luận về thời hạn sở hữu chung cư từ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ

Hoài Lam | 19/06/2023, 14:00

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị vẫn duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn hoặc sở hữu lâu dài đồng thời với chung cư có thời hạn và để cho người dân được lựa chọn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là xử lý an toàn như thế nào.

Vướng cải tạo chung cư cũ vì quy định sở hữu lâu dài?

Thảo luận tại Quốc hội ngày 19.6, đề cập về nội dung cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng đây là nội dung rất phức tạp, có rất nhiều điểm sẽ còn tranh luận, như là điều kiện như thế nào được phá dỡ, tỷ lệ số hộ đồng ý phá dỡ ra sao, phá dỡ như thế thì tái định cư như thế nào, tạm cư ra làm sao, ngân sách có chịu trách nhiệm gì vào đây không?

Ông Cường nhấn mạnh, hiện nay việc cải tạo khu chung cư cũ không đơn giản và có nguyên nhân sâu xa. “Tôi cho rằng chính xuất phát ở chỗ chúng ta đang quy định nhà chung cư cũ đó là được sở hữu vĩnh viễn, sở hữu không thời hạn. Chính vì sở hữu không thời hạn cho nên người ta có quyền không đồng ý là chúng ta không thể phá dỡ được”.

Đại biểu Cường cũng cho hay: “Rất may là những nhà chung cư cũ hiện nay đang là nhà thấp tầng, vì nhà thấp tầng nên nhà đầu tư đầu tư vào có thể nâng cao tầng lên và như vậy mới có điều kiện để thỏa thuận là đền bù cho người sở hữu chung cư đó. Nhưng trong tương lai, khi chúng ta thấy nhà chung cư cũ đều là những nhà cao tầng và đến khi nhà này phải phá dỡ thì không còn có chuyện là nâng cao thêm tầng nữa. Khi đó, tất cả mọi người ở đó nếu muốn có nhà mới phải tự bỏ tiền ra, không có nhà đầu tư nào bỏ tiền thay cho họ”.

“Chúng ta có quy định rằng sở hữu dài hạn hay là sở hữu có thời hạn thì thực chất khi nhà chung cư đó đã hết thời hạn sử dụng thì quyền của tất cả những cư dân đấy cũng không còn gì, có chăng người ta chỉ còn đến quyền duy nhất ghi trên giấy chứng nhận sở hữu nhà. Chính vì vậy, tôi xin đề nghị chúng ta không chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế mà phải quy định rất rõ là thời hạn sở hữu nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế”, ông Cường nêu.

cuong-1.jpg
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Ông Cường cho rằng nếu quy định như thế sẽ mang lại 2 lợi ích.

Lợi ích thứ nhất là đứng về mặt người sở hữu nhà, người ta sẽ chỉ trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế đó, chứ không phải trả tiền cho một điều là sở hữu vô thời hạn. Tuy nhiên, thực chất, đến thời hạn phá dỡ, người ta vẫn phải tự bỏ tiền ra và nếu như bây giờ quy định một nhà sở hữu theo tuổi thọ công trình thì giá nhà đấy chắc chắn nó sẽ khác so với nhà chúng ta quy định là sở hữu vô thời hạn.

“Như vậy vô hình trung chỉ để thỏa mãn tâm lý sở hữu, người dân đã phải bỏ thêm một số tiền để sở hữu một tờ giấy và khi nhà này bị phá dỡ vẫn phải tự bỏ tiền ra”, ông Cường nói và cho rằng sẽ tránh được tình trạng những chung cư này hết thời hạn thì không thể phá dỡ được.

“Chính vì vậy, tôi đề nghị nên quy định sở hữu theo thời hạn thiết kế, nhưng đi kèm theo đó, nếu đến thời hạn nên thiết kế đánh giá lại, kiểm định lại nhà đó vẫn còn tồn tại được, vẫn tốt thì quyền của người đã sở hữu đó người ta tiếp tục được kéo dài, không phải là người ta mất đi. Ngoài ra, khi đã phá dỡ thì đất đai đó người ta phải đầu tư xây dựng lại”, ông Cường nêu.

Do đó, theo ông Cường, đất dành cho xây dựng nhà chung cư không nên là đất giao vĩnh viễn mà nên là loại đất cho thuê theo thời hạn xây dựng và cho trả tiền một lần. “Nếu như hết thời hạn xây dựng chúng ta lại có dự án cho thuê lại, giống như chúng ta đang có quy định về đất cho thuê các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Do vậy, tôi cho rằng nếu chúng ta thực hiện được việc này thì sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như hiện nay”.

Phải để người dân có quyền lựa chọn

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tranh luận rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn, nên cần khuyến khích xây dựng những chung cư tuổi thọ cao. Ở nước ngoài tuổi thọ chung cư càng ngày càng cao và có thể lên đến 99 năm.

“Chuyện một nơi ở dài hạn từ thế hệ này sang thế hệ khác là một nhu cầu tinh thần rất lớn và củng cố quan hệ gia đình. Ở nước ngoài có những chung cư hàng trăm năm, tất nhiên là người ta phải củng cố, sửa chữa nhưng nó trở thành những khu di tích và làm nên hồn cốt của đô thị đó. Điều này tôi đề nghị chúng ta phải thiết kế”, ông Nghĩa nêu.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng nói rằng: “Chúng ta có tổng kết hiện nay đang tồn tại bao nhiêu chung cư sở hữu không có thời hạn hay không? Hiện nay rất nhiều người sở hữu như vậy, nếu chúng ta quy định như thế này thì tất nhiên chúng ta không hồi tố nhưng vẫn phải xử lý trường hợp đó. Do đó, tôi đề nghị phải có phương án là vẫn duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn hoặc sở hữu lâu dài đồng thời với chung cư có thời hạn và để cho người dân được lựa chọn, tuy nhiên vấn đề đặt ra là xử lý an toàn như thế nào”.

nghia.jpg
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Theo ông Nghĩa, có thể sở hữu dài hạn nhưng phải tuân thủ sự an toàn vì đó là an toàn chung và khi đó có nhiều cách thức. Ở Singapore những nhà ở thương mại người ta có thể sở hữu lên đến hàng trăm năm. Ở Anh hay ở Singapore sở hữu là 99 năm, nhưng khi thời hạn an toàn nó không bảo đảm nữa thì các công ty phát triển bất động sản sẽ thương thảo với người dân để mua lại căn nhà cũ, duy tu, sửa chữa hoặc xây dựng mới, 2 việc này phải kết hợp với nhau.

“Tôi đề nghị có một sự lựa chọn, chứ không nên chọn một thứ, bởi vì trong tương lai chúng ta phải khuyến khích nhà ở lâu dài tuổi thọ càng cao thì càng tốt, càng có lợi cho xã hội và nói chung là cho đất nước”, ông Nghĩa nêu.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, về cải tạo nhà chung cư, việc cưỡng chế, di dời người dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, sập đổ là có liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Do vậy, cần quy định cụ thể vào trong luật về trình tự, thủ tục di dời, các biện pháp cưỡng chế di dời nếu cư dân không chấp hành di dời để đảm bảo hiệu quả cho việc xây dựng lại chung cư xuống cấp, cũ; nếu chung cư cũ bị sập đổ nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm…

qh-2.jpg
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Ngoài ra, theo ông Hòa, cần quy định về biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu nhà chung cư, bởi thực tế hiện nay có sự đồng thuận của cư dân 100% là rất ít xảy ra. Nếu sau một thời gian dài nhất định mà không thống nhất được phương án bồi thường thì phương án là tái định cư do UBND cấp tỉnh quy định.

Tương tự, theo ông Hòa, quyền sử dụng đất, cải tạo, xây dựng nhà chung cư phải phù hợp và được xây dựng lại, các chủ sở hữu được bố trí tại chỗ và phải đóng góp kinh phí để xây dựng nhà chung cư là phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai, đề nghị nên có sự thống nhất với nhau giữa 2 luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
7 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh luận về thời hạn sở hữu chung cư từ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ