Sáng 18.6, lễ khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và hai tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu được tổ chức với hình thức trực tuyến.

Khởi công đường Vành đai 3 TP.HCM và 2 cao tốc vào sáng nay

Hồ Đông | 18/06/2023, 07:35

Sáng 18.6, lễ khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và hai tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu được tổ chức với hình thức trực tuyến.

vanh-dai-3.jpg
Phối cảnh Vành đai 3 TP.HCM 

Điểm cầu chính được đặt tại TP.HCM (đường 9A, phường Long Bình, TP.Thủ Đức). Hai điểm cầu kết nối tại tỉnh Đắk Lắk (thôn Cư Dhắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) và Bà Rịa - Vũng Tàu (phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ).

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM với kinh phí gần 75.400 tỉ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương. Dự án có tổng chiều dài hơn 76km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (hơn 47km), Đồng Nai (hơn 11km), Bình Dương (gần 11km), Long An (gần 7km) .

Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh/thành phố.

Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60km/h. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe).

Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics... Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển vùng trọng điểm phía Nam.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư chung của cả dự án là gần 22.000 tỉ đồng. Cao tốc có tổng chiều dài khoảng 117,5km. Điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1 (Km1415+250), khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Điểm cuối tại vị trí giao cắt khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía đông TP.Buôn Ma Thuột, thuộc địa phận huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48km thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.

Công trình được xây dựng trước 4 làn xe, rộng 17m, dự kiến khai thác năm 2027. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ tạo trục ngang liên kết khu vực Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường ven biển... góp phần thúc đẩy phát triển vùng.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỉ đồng từ vốn ngân sách, dài khoảng 53,7km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao quốc lộ 56 thuộc TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Dự án chia làm ba thành phần do các địa phương tuyến đi qua cùng Bộ GTVT chủ trì triển khai.

Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0 - Kml6) với chiều dài khoảng 16km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 2 (Km16 - Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5km, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.

Giai đoạn đầu, cao tốc này được xây dựng 4-6 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2026. Tuyến đường khi đưa vào khai thác sẽ kết nối với trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, sân bay Long Thành, cảng biển, cùng các trung tâm kinh tế, góp phần phát triển cho toàn vùng Đông Nam Bộ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBQH đề nghị xây dựng bảng lương riêng, đãi ngộ phù hợp cho nhà giáo
44 phút trước Theo dòng thời sự
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng lương vẫn không phù hợp. Do đó, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi công đường Vành đai 3 TP.HCM và 2 cao tốc vào sáng nay