Nhiều trẻ em Việt bị bán sang Anh làm nô lệ trong các trại cần sa trái phép và bị xem như tội phạm, thay vì nạn nhân, khi được tìm thấy.

Trẻ em VN bị bán sang Anh làm nô lệ trong các trại cần sa

Một Thế Giới | 27/02/2015, 06:21

Nhiều trẻ em Việt bị bán sang Anh làm nô lệ trong các trại cần sa trái phép và bị xem như tội phạm, thay vì nạn nhân, khi được tìm thấy.

Trong những năm gần đây, văn phòng của luật sư Philippa Southwell ở phía Nam thủ đô London - Anh luôn trong tình trạng các hồ sơ vụ án ngày càng chồng chất. Nữ luật sư này chuyên theo các vụ kiện liên quan tới nạn nhân bị những đường dây buôn người đưa từ Việt Nam sang Anh để lao động trong các trại trồng cần sa. Bộ Nội vụ Anh ước tính có tới 13.000 người bị ép làm nô lệ ở nước này trong năm 2013. Phần lớn nạn nhân là người Việt Nam, Albania, Nigeria và Romania.
Nhiều nạn nhân rời khỏi Việt Nam khi còn là những đứa trẻ ôm giấc mộng đổi đời, gian nan vượt qua hàng ngàn dặm suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước khi tới được bờ biển nước Anh. Theo lời bà Southwell, các nạn nhân này thường bị vận chuyển qua Nga, Đức, Pháp và không ít trong số họ phải đi bộ ròng rã qua những cánh rừng nhiều ngày. “Họ ngủ trong lán trại dựng tạm và sau đó được giấu trong những chiếc thùng xe tải đáng sợ. Phải tuyệt đối giữ im lặng, không được cử động, thiếu không khí để thở, họ thậm chí phải tiểu tiện ngay trong thùng xe tải chật chội” - nữ luật sư nói với hãng tin Reuters.
Khi tới Anh, các nạn nhân bị giam cầm và làm việc quần quật như tù nhân khổ sai trong những trại cần sa bất hợp pháp rải rác trên cả nước để trả khoản nợ cắt cổ cho bọn buôn người, có thể lên tới 30.000 bảng Anh (995 triệu đồng). Tại đây trang bị hệ thống sưởi và đèn cao áp phức tạp thích hợp với cần sa nhưng lại cực kỳ nguy hiểm với tính mạng con người. Không những thế, nhiều người còn bị lạm dụng tình dục, đánh đập và ngược đãi. Các trại cần sa thường cách xa thành phố lớn để tránh tầm ngắm của cảnh sát. Tuy nhiên, dù các đợt truy quét của cảnh sát có tìm ra chúng thì những người bị ép trồng cần sa lại bị xem như tội phạm chứ không phải nạn nhân.
Giám đốc tổ chức từ thiện chuyên bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em ECPAT UK, bà Chloe Setter, chỉ rõ chưa có một băng đảng buôn bán trẻ em Việt Nam nào trong trường hợp này bị khởi tố nhưng bọn trẻ lại “bị nhốt, bị truy tố và bị kết tội”. Bà Mimi Vu thuộc Quỹ Pacific Links làm việc với các nạn nhân buôn người ở Việt Nam cho biết sau khi thụ án xong, các nạn nhân thường bị trục xuất về nước. Tuy nhiên, với tiền án và thiếu sự hỗ trợ, họ thường quay lại đường dây buôn người cũ.
Năm 2013, tòa án ở Anh đã phán quyết rằng các nạn nhân của nạn buôn người không nên bị truy tố khi tòa hủy bỏ phán quyết kết tội 3 người Việt Nam, trong đó có 1 thân chủ của bà Southwell, vì các tội liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết sau vụ việc, tình hình ít có tiến triển. Cảnh sát vẫn bắt giữ các thiếu niên trồng cần sa trong khi lại không tìm được chứng cứ về những tên đầu sỏ đường dây buôn người.
Theo bà Southwell, luật sư của các em thường khuyên chúng nhận tội khi bị bắt mà không nhận ra rằng các em có thể chỉ là nạn nhân. Do đó, văn phòng của nữ luật sư này ngày càng bận rộn hơn trong nỗ lực bảo vệ các nạn nhân khỏi bị truy tố. Tình trạng đáng lo ngại trên hy vọng sẽ được cải thiện khi dự luật Nô lệ hiện đại dự kiến được xem xét thông qua trước cuộc tổng tuyển cử ở Anh vào tháng 5 tới. Theo luật mới này, nạn nhân của bọn tội phạm buôn người có thể được miễn truy tố tội hình sự.
Thu Hằng (Người lao động)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ em VN bị bán sang Anh làm nô lệ trong các trại cần sa