TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho hay, nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Đó là lý do cần tri thức hóa nông dân.

Tri thức hóa nông dân vì nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại

Hoài Lam | 12/09/2022, 13:35

TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho hay, nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Đó là lý do cần tri thức hóa nông dân.

Ngày 12.9, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 7 với chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp" được tổ chức tại Hà Nội.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng cần làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”? Tri thức hóa nông dân là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp? Yêu cầu tri thức hóa nông dân trong điều kiện thực trạng mặt bằng về tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân chúng ta bên cạnh những mặt tích cực còn chưa đồng đều và nhiều bất cập như hiện nay?

Theo Phó chủ tịch nước, việc xây dựng người nông dân văn minh, tri thức hóa nông dân đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây nhưng việc hiện thực hóa yêu cầu đó không dễ dàng. Trước hết cần sự thôi thúc của bản thân người nông dân, cùng với sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức liên quan và toàn xã hội.

TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng phải đặt vấn đề tri thức hóa nông dân trong lúc này là bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm. Hiện nay, lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước).

Hơn nữa, tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự “khan hiếm” lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động.

Đồng thời, theo ông Thịnh, năng suất lao động (thu nhập) người dân nông thôn thấp, bình quân đạt 42 triệu/người/năm bằng chưa đầy 70% trung bình cả nước (khoảng 58 triệu/người/năm); tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nông nghiệp còn thấp so với tổng lao động nông nghiệp; chất lượng lao động ngành nông nghiệp hiện nay còn thấp so với các ngành kinh tế khác…

“Nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Đây là lý do khiến chúng ta phải hỗ trợ để trang bị thêm kiến thức cho người nông dân”, ông Thịnh nêu.

thinh.jpg
TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) - Ảnh: Dân Việt

Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho rằng dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng là những yếu tố tác động không nhỏ đến người sản xuất nông nghiệp. Đây là những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp và đội ngũ nông dân. Trong bối cảnh đó, mỗi người dân, trong đó có những người sản xuất nông nghiệp phải cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới, để làm giàu trí tuệ của mình, để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn.

Cũng theo ông Thịnh, nhiều nước trong khu vực và thế giới thông quan các chương trình, dự án với các tên gọi, cách làm khác nhau đều đang đào tạo, xây dựng một đội ngũ nông dân mới, người sản xuất có đủ năng lực, tri thức sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Điển hình như Nhật Bản, họ đã có chương trình đào tạo nông nghiệp tự chọn ngay từ cấp 2, toàn thời gian ở cấp 3 và chuyên sâu hơn ở bậc cao đẳng, đại học. Hàn Quốc có Chương trình 100 nông dân xuất sắc, khuyến khích làn sóng thanh niên di cư ngược từ thành thị về nông thôn làm nông dân khởi nghiệp, khuyến khích nông dân tham gia phát triển trang trại thông minh. Trung Quốc triển khai Chương trình Đào tạo HTX nông dân chuyên nghiệp, dự án đưa giáo viên và học viên thạc sĩ nông nghiệp sống cùng nông dân trong thời gian học. Còn Thái Lan đưa ra Chương trình phát triển nông dân thông minh gồm dịch vụ hỗ trợ, tập huấn, khuyến khích thực hành nông nghiệp bền vững, trao giải cho nông dân sản xuất giỏi…

“Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, nông dân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết, nắm rõ, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam, bởi mỗi biến động ở những vấn đề trên đều có tác động đến sản xuất và thương mại nông sản, liên quan thiết thực đến quyết định sản xuất, kinh doanh của họ”, ông Thịnh chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed Trần Mạnh Báo nhấn mạnh, muốn thay đổi hay thành công trong bất cứ lĩnh vực nào thì yếu tố con người luôn luôn là vấn đề tiên quyết.

Theo đó, người nông dân chuyên nghiệp phải là người phải có tri thức, am hiểu pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật. Am hiểu quy luật kinh tế, thị trường, vốn, tài chính, khoa học công nghệ.

“Những nông dân hiện đại không ai không có smartphone, phải biết thứ chúng ta đang sản xuất thuộc công nghệ nào, sở hữu trí tuệ ra sao, phù hợp với môi trường chúng ta đang sống hay không. Đồng nghĩa với việc phải am hiểu môi trường tự nhiên, am hiểu khí hậu, thời tiết vùng mình sinh sống để lựa chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp”, ông Báo nói.

Ngoài ra, doanh nhân này cũng cho rằng, nông dân cũng phải luôn luôn nghĩ đến quan hệ hợp tác với nhau và với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Phải chú trọng việc vào HTX và có trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội.

“Chúng ta cần “doanh nhân hóa nông dân Việt Nam”, không phải chúng ta làm nông nghiệp mà là phát triển kinh tế nông nghiệp, mà đã làm kinh tế phải là doanh nhân. Nông dân phải có khát khao, biết chấp nhận rủi ro, biết vượt qua khó khăn, phải luôn luôn xây dựng bản lĩnh của mình để vươn lên và thành công”, ông Báo chia sẻ.

Bài liên quan
Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tại TP.HCM: Góp phần mở cửa tri thức
Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tại TP.HCM năm 2024 với các thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tri thức hóa nông dân vì nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại