Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân tín dụng đen là từ các vấn đề xã hội, do đó, cần phối hợp đồng bộ các giải pháp kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội chứ không thể chỉ giải quyết tín dụng đen chỉ bằng giải pháp tài chính.

Trị tín dụng đen: Cần đồng bộ giải pháp tài chính, chính trị, xã hội…

31/03/2019, 13:06

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân tín dụng đen là từ các vấn đề xã hội, do đó, cần phối hợp đồng bộ các giải pháp kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội chứ không thể chỉ giải quyết tín dụng đen chỉ bằng giải pháp tài chính.

Tín dụng đen nhan nhản khắp nơi - Ảnh: Internet

Theo thống kê chưa đầy đủ thì trong khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” (56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản…), trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).

Các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao); các cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay tài chính bất hợp pháp; chơi hụi, họ, phường… hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp…

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng đen hiện nay là vấn đề rất nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do một bộ phận người dân khó tiếp cận các kênh vốn tín dụng truyền thống, trong khi họ có rất nhiều nhu cầu cấp bách về tiền bạc như viện phí, mua hàng hóa, thậm chí cờ bạc, lô đề…

Hơn nữa, theo ông Hiếu, hiện tượng tín dụng đen phổ biến do nguồn cung sẵn, thủ tục cho vay nhanh chóng, đơn giản. Vì vậy, họ phải tìm đến các kênh tín dụng đen để giải quyết nhu cầu tạm thời.

Đồng tình với điều này, luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng nguyên nhân chủ yếu người dân tìm đến tín dụng đen là sự tiện lợi khi vay tiền theo hình thức này.

Theo ông Hòa, khi người dân đi vay ở ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục hơn so với việc vay hay cho vay tại tín dụng đen, chẳng hạn như phải có tài sản thế chấp, nhiều trường hợp, ngân hàng, tổ chức tín dụng yêu cầu có cả dự án để đánh giá tính khả thi của hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên vay vốn của tín dụng đen thì không phải thực hiện các thủ tục đó, cũng như linh hoạt về cả thời hạn cho vay, số tiền vay. Điều này đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, dẫn đến sự phát triển của tín dụng đen thời gian qua. Hơn nữa, sự phát triển công nghệ thông tin thời gian gần đây cũng khiến cho cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay càng trở nên thuận tiện.

Luật sư này cho rằng tín dụng đen có nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ tội phạm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, vì nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các kênh tín dụng không chính thống đến từ chính nhu cầu tiếp cận khoản vay nhanh chóng của người dân, do đó, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét, tạo điều kiện để những kênh tín dụng chính thống như ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác có thể triển khai thêm các chính sách cho vay linh hoạt hơn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận khoản vay dễ dàng hơn.

Cũng theo ông Hòa, hiện nay, mô hình cho vay ngang hàng đang phát triển tốt, tuy nhiên, chưa có hành lang pháp lý cho dịch vụ hiện đại này, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành luật để điều chỉnh và hợp pháp hóa, nếu có kênh này, sẽ cạnh tranh trực tiếp với tín dụng đen, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Luật sư Hòa cũng nhấn mạnh, việc phát triển hình thức cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng là một giải pháp tiềm năng cho việc đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen hiện nay. Tuy nhiên, để vay tiêu dùng phát triển thì không chỉ cần một hành lang pháp lý thông thoáng mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí để người dân hiểu và tiếp cận với dịch vụ tài chính.

“Hiện nay, một số công ty tài chính khi thu hồi nợ xấu cũng đang thuê một số công ty thu hồi nợ, và họ áp dụng một số biện pháp trái pháp luật, điều này đang ảnh hưởng tới uy tín của mô hình cho vay này, nếu muốn phát triển kênh này, các công ty tài chính cần có cách đòi nợ xấu một cách văn minh và hợp pháp”, ông Hòa nói.

Ngoài ra, ông Hòa nhấn mạnh, việc điều tra, truy tố và xét xử các đường dây tín dụng đen cũng cần phải tăng cường; việc xử phạt theo đúng quy định về tội cho vay nặng lãi sẽ giúp đẩy lùi tín dụng đen.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, để giải quyết nạn tín dụng đen cần phải nhìn rõ các nguyên nhân sâu xa từ các vấn đề xã hội chứ không thể chỉ giải quyết tín dụng đen bằng giải pháp tài chính.

“Giải pháp tài chính chỉ là giải pháp tạm thời để giảm thiểu, kiềm chế tín dụng đen và phải có giải pháp đồng bộ từ tài chính, chính trị, xã hội, kinh tế thì mới giải quyết được tận gốc”, ông Hiếu nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty này, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất…

Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; đơn giản hóa thủ tục cho vay, phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh; đưa ra các gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách, nâng mức cho vay kéo dài thời gian cho vay phù hợp đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Đặc biệt, Bộ Công an, các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trị tín dụng đen: Cần đồng bộ giải pháp tài chính, chính trị, xã hội…