Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu, triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Triển khai nhanh các gói an sinh xã hội, trước khi người dân rơi vào bi kịch không đáng có

Lam Thanh | 09/02/2021, 18:18

Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu, triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Chính sách an sinh xã hội cần được ưu tiên

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên các lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong năm 2020.

n-sinh-xa-hoi.jpeg
Cần tiếp tục triển khai các gói an sinh xã hội - Ảnh: Báo Lao Động

Cụ thể, chuỗi cung ứng bị gián đoạn cùng nhu cầu từ thị trường nhập khẩu giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng. Thiên tai mưa gió bão lũ xảy ra liên tục khiến chỉ số PMI tụt xuống dưới 50 điểm trong tháng 11.

Kết thúc năm 2020, chỉ số PMI dừng ở mức 51,7 điểm cho thấy các doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng mua sắm trong dịp tết cổ truyền Tân Sửu.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 4/2020 cho thấy: Có 40,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2020 tốt hơn quý 3/2020; 24,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 34,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Kết quả này tốt hơn so với quý 3/2020 (các con số lần lượt là 32,2%; 31,9%; 35,9%), cho thấy sau đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đã tốt hơn.

Dự kiến quý 1/2021 so với quý 4/2020, có 42,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Theo VEPR, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.

Thêm vào đó, việc phòng chống dịch COVID-19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

Giảm thuế TNDN có thể tạo ra sự bất bình đẳng

Theo VEPR, việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành. Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.

"Chúng tôi cho rằng việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế GTGT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), vì giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn", VEPR nêu.

Từ đó, việc giảm thuế TNDN còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội, do mạng lưới thực thi kém hiệu quả và thủ tục hành chính phức tạp, khó tiếp cận.

Việc thiết kế lại kế hoạch thực thi chính sách là vô cùng cần thiết để các gói cứu trợ thực sự có hiệu quả. Chúng tôi cho rằng gói cứu trợ lần 2 ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khi gói cứu trợ lần 1 còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì gói cứu trợ lần 2 nhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế.

Trên phương diện sản xuất, cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới.

Do vậy, đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Việc cắt giảm ngân sách thường xuyên tối thiểu 10% nên được thực hiện một cách cương quyết nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra, đồng thời chia sẻ với nhân dân cả nước trong giai đoạn khó khăn.

Lưu ý tình trạng bong bóng tài sản

Chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong năm 2021 sẽ giảm hiệu quả đáng kể. Đặc biệt, cần lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Thực tế thì trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng.

Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu.

Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được. Đây cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài.

Đây là thời điểm khó khăn trong chính sách tiền tệ vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản (fundamentals), sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp thực.

Trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá, cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau cơn dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.

VEPR cho rằng dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID-19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.

VEPR cho rằng chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể, đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó là những nhóm chính sách vẫn được kêu gọi cần thực hiện trong suốt những năm qua nhưng chưa được thực hiện quyết liệt và hữu hiệu, từ lĩnh vực giáo dục cho tới tài chính-ngân hàng, từ khoa học-công nghệ đến cơ sở hạ tầng, từ chính sách ngành tới cải cách doanh nghiệp nhà nước… đều cần tiếp tục thúc đẩy với một tinh thần mới và phương pháp mới, tôn trọng thị trường nhiều hơn, đặt người dân vào trung tâm, và tôn trọng các xu thế phát triển mới.

Bài liên quan
Công ty XSKT Hậu Giang: Nỗ lực tạo việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Trong những năm qua, Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Hậu Giang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh, là một trong những Doanh nghiệp đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Giám đốc Công ty ông Nguyễn Thái Bình cho biết thêm, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, Công ty là một doanh nghiệp đi đầu về công tác từ thiện, nhân đạo, góp phần thực hiện tốt công tác hỗ trợ cộng đồng, phát triển an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai nhanh các gói an sinh xã hội, trước khi người dân rơi vào bi kịch không đáng có