Nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un cho biết nền kinh tế của đất nước được cải thiện trong năm nay nhưng kêu gọi thực hiện các biện pháp để giải quyết tình hình thiếu lương thực căng thẳng do đại dịch COVID-19 và các cơn bão năm ngoái gây ra.

Triều Tiên chưa nhận được vắc xin từ COVAX, thiếu lương thực trầm trọng do COVID-19 và bão

Nhân Hoàng | 16/06/2021, 10:09

Nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un cho biết nền kinh tế của đất nước được cải thiện trong năm nay nhưng kêu gọi thực hiện các biện pháp để giải quyết tình hình thiếu lương thực căng thẳng do đại dịch COVID-19 và các cơn bão năm ngoái gây ra.

Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, ông Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động cầm quyền hôm 15.6 để xem xét tiến độ về các chính sách lớn và biện pháp thủ công để giải quyết các vấn đề kinh tế.

Ủy ban đã đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ để đạt được kế hoạch kinh tế 5 năm mới được vạch ra tại phiên họp trước đó vào tháng 2.2021, bao gồm tăng sản lượng lương thực và kim loại.

Theo KCNA, Kim Jong-un cho biết nền kinh tế Triều Tiên tổng thể đã được cải thiện trong nửa đầu năm, với tổng sản lượng công nghiệp tăng 25% so với một năm trước. Thế nhưng có "một loạt sai lệch" trong nỗ lực thực hiện các kế hoạch của đảng do một số trở ngại khiến nguồn cung cấp thực phẩm eo hẹp, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói.

Ông Kim Jong-un cho hay: “Tình hình lương thực của người dân đang trở nên căng thẳng do ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc vì thiệt hại do bão năm ngoái”.

Đảng tuyên bố sẽ hướng mọi nỗ lực vào việc canh tác trong năm nay và thảo luận cách đối phó với đại dịch COVID-19, KCNA cho biết.

Ông Kim Jong-un kêu gọi thực hiện các bước để giảm thiểu tác động của thiên tai là bài học từ năm ngoái và chìa khóa để đạt được mục tiêu năm nay.

trieu-tien-chua-nhan-duoc-vac-xin.jpg
Ông Kim Jong-un phát biểu khai mạc Hội nghị Ủy ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 16.6

Vào tháng 1.2021, Kim Jong-un cho biết kế hoạch kinh tế 5 năm trước đó của ông đã thất bại trong hầu hết các lĩnh vực, trong bối cảnh tình trạng thiếu điện triền miên và tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt, đại dịch COVID-19, lũ lụt.

Lãnh đạo Triều Tiên cũng nói rằng đại dịch kéo dài nên đòi hỏi đảng phải tăng cường nỗ lực cung cấp thực phẩm, quần áo và nhà ở cho người dân.

Triều Tiên chưa chính thức xác nhận bất kỳ trường hợp mắc COVID-19 nào, tuyên bố bị các quan chức Hàn Quốc nghi ngờ. Thế nhưng, quốc gia này đã áp đặt các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt, gồm cả đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong nước.

COVAX, sáng kiến ​​toàn cầu nhằm chia sẻ vắc xin COVID-19 với các nước nghèo, cho biết họ sẽ cung cấp gần 2 triệu liều AstraZeneca cho Triều Tiên nhưng lô hàng đang bị trì hoãn.

Lô hàng vốn dự kiến đến Triều Tiên vào cuối tháng 5, nhưng quá trình thảo luận vẫn còn dang dở.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 1.6 cho biết lô vắc xin COVID-19 gửi tới Triều Tiên thông qua chương trình COVAX bị trì hoãn vì quá trình tham vấn kéo dài.

Các quốc gia muốn COVAX hỗ trợ thường được yêu cầu tổ chức nhiều cuộc tham vấn và đệ trình một số văn bản, trong đó có kế hoạch tiêm chủng. Với trường hợp Triều Tiên, tham vấn bị kéo dài và lô hàng sẽ đến muộn hơn kế hoạch ban đầu”, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói.

Hồi tháng 5.2021, Liên minh toàn cầu về vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) - đơn vị cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối chương trình phân phối vắc xin - cho biết lô vắc xin chưa thể đến Triều Tiên vì nước này thiếu chuẩn bị về kỹ thuật cộng thêm tình trạng khan hiếm toàn cầu hiện tại, mốc thời gian mới là cuối năm 2021.

Bài liên quan
Thành phố biên giới Trung Quốc thiệt hại nặng vì Triều Tiên đóng cửa biên giới
Hoạt động giao thương lẫn du lịch của thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh) rơi vào cảnh kiệt quệ trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên đóng cửa biên giới chống dịch suốt hơn 1 năm qua.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên chưa nhận được vắc xin từ COVAX, thiếu lương thực trầm trọng do COVID-19 và bão