Hãng thông tấn KCNA thông báo ông Kim Jong-un tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ CHDCND Triều Tiên, tuy vậy nhân sự Chủ tịch Quốc hội cùng Thủ tướng có thay đổi.
Ông Choe Ryong-hae thay ông Kim Yong-nam giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Người kế nhiệm Thủ tướng Pak Pong-ju là ông Kim Jae-ryong.
Đặc biệt, truyền thông nhà nước lần đầu tiên gọi ông Kim Jong-un là đại diện tối cao của toàn thể người dân Triều Tiên. Nhà nghiên cứu Michael Madden thuộc trang mạng 38 North nhận định chế độ do nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đứng đầu đã hoàn thành quá trình chuyển giao và củng cố quyền lực.
Kim Yong-nam là một trong những quan chức phục vụ lâu nhất (từ năm 1998). Nhân vật thay thế Choe Ryong-hae từng phải tham gia “tái giáo dục chính trị”, nhưng vài năm qua thăng tiến nhanh chóng, đến năm 2017 vào tới Quân ủy trung ương.
Ông Choe nắm giữ quyền lực lớn với tư cách Trưởng Ban Tổ chức - Chỉ đạo thuộc đảng Lao động Triều Tiên, từng dẫn nhiều đoàn thanh niên thăm hữu nghị Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Libya, Hy Lạp.
Tháng 12.2018, Mỹ áp đặt trừng phạt lên ba quan chức Triều Tiên, trong đó có ông Choe Ryong-hae.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Pak Pong-ju được xác định giúp giám sát quá trình cải cách kinh tế triệt để nhằm đảm bảo đất nước chống chọi lại trừng phạt. Cố lãnh đạo Kim Jong-il rất tán thành một số cải cách, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn mở cửa hơn nữa.
Thông tin về người kế nhiệm Kim Jae-ryong rất ít, chỉ biết ông từng làm Bí thư tỉnh ủy Jagang -khu vực nổi tiếng “vượt khó”. Đề bạt chính trị gia từng công tác tại đây phù hợp thông điệp phát triển bất chấp cấm vận của nhà lãnh đạo Kim.
Cựu Thủ tướng nay sẽ giữ 1 chức vụ cấp cao trong đảng cầm quyền. Học giả Hong Min thuộc Viện Thống nhất quốc gia (KINU, tổ chức nghiên cứu nhận tài trợ từ chính phủ Hàn Quốc) nhận định cải cách kinh tế phong cách Pak Pong-ju dự kiến vẫn tiếp tục.
Thay đổi nhân sự diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra yêu cầu tăng tính tự lực của nền kinh tế để đáp trả thế lực áp đặt trừng phạt với nước này.
Cẩm Bình (theo Straits Times)