Theo Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên, việc Mỹ “can thiệp một cách vô nguyên tắc” trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, có nguy cơ làm động đến một “tình huống tế nhị trên Bán đảo Triều Tiên”

Triều Tiên ra mặt cảnh báo Mỹ chớ liều lĩnh bảo vệ Đài Loan

Anh Tú | 23/10/2021, 11:41

Theo Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên, việc Mỹ “can thiệp một cách vô nguyên tắc” trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, có nguy cơ làm động đến một “tình huống tế nhị trên Bán đảo Triều Tiên”

Triều Tiên hôm nay 23.10, đã lên tiếng cáo buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden làm gia tăng căng thẳng quân sự với Trung Quốc thông qua sự hậu thuẫn “liều lĩnh” của Mỹ đối với Đài Loan, đồng thời nói rằng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực tạo thành mối đe dọa tiềm tàng đối với Triều Tiên.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong Ho đã chỉ trích việc Mỹ đưa tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và giúp cho Đài Loan nâng cấp các hệ thống vũ khí cùng huấn luyện quân sự.

Theo ông Pak Myong Ho, việc Mỹ “can thiệp một cách vô nguyên tắc” trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, mà Triều Tiên coi đó hoàn toàn là chuyện nội bộ của Trung Quốc, có nguy cơ làm động đến một “tình huống tế nhị trên Bán đảo Triều Tiên”.

Tuyên bố của Thứ trưởng Pak Myong Ho được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng Mỹ cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan nếu nước này bị Trung Quốc tấn công. Phát biểu này gây chú ý lớn vì nó phá lập trường bấy lâu nay của Washington về việc duy trì "sự mơ hồ chiến lược" đối với chuyện Mỹ có can thiệp nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan hay không. Cho dù sau đó phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Biden không có ý định truyền đạt một sự thay đổi trong chính sách, thì tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng đã được thế giới nghe rõ.

Trung Quốc và Đài Loan vẫn trong tình trạng phân liệt sau cuộc nội chiến năm 1949. Mặc dù chỉ duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh, Mỹ vẫn cam kết theo luật để đảm bảo Đài Loan có thể tự vệ trước các mối đe dọa từ bên ngoài.

Trong vấn đề Đài Loan, Triều Tiên đồng bệnh tương lân với Trung Quốc vì họ lo ngại một khi Mỹ ủng hộ quyết liệt với Đài Loan thì sẽ có thái độ ủng hộ Hàn Quốc mạnh mẽ hơn.

Do vậy, Triều Tiên ngày càng chỉ trích vai trò an ninh rộng lớn hơn của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc, đồng minh chính và nắm huyết mạch kinh tế của Bình Nhưỡng. Tháng trước, Triều Tiên đe dọa các biện pháp đối phó không xác định sau khi chính quyền Joe Biden  quyết định cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc. Nguyên nhân sâu xa hơn là Triều Tiên lo ngại Mỹ tăng cường các hậu thuẫn quân sự cho đồng minh tại châu Á thì không chỉ Úc hưởng lợi mà sau này có thể là Hàn Quốc được tiếp cận các công nghệ quân sự cao của Mỹ.

Thứ trường Pak Myong Ho khẳng định: “Một thực tế nổi tiếng là quân đội Mỹ và các căn cứ quân sự của họ ở (Hàn Quốc) đang sử dụng để gây áp lực lên Trung Quốc và lực lượng khổng lồ của Mỹ cùng các quốc gia vệ tinh của họ, đang tập trung gần Đài Loan, có thể cam kết thực hiện một chiến dịch quân sự nhắm vào CHDCND Triều Tiên bất cứ lúc nào”.

Ông Pak Myong Ho cho biết sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của "các thế lực thù địch" do Mỹ lãnh đạo trong khu vực dựa trên một "khẳng định khập khiễng" rằng Triều Tiên và Trung Quốc sẽ gây rắc rối ở Đài Loan và Bán đảo Triều Tiên.

Thứ trưởng Pak Myong Ho còn nói: “Thực tế này chứng minh rằng Mỹ đang cố gắng kìm hãm đất nước của chúng tôi và Trung Quốc, hai nước xã hội chủ nghĩa, để giữ vị trí tối cao của mình”.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ trong hơn hai năm do khúc mắc vấn đề nới lỏng các biện pháp trừng phạt do Mỹ đứng đầu chống lại Triều Tiên để đổi lấy Triều Tiên cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân là yếu tố bảo đảm cuối cùng cho sự tồn vong của chế độ đã điều hành đất nước từ những năm 1940.

Kết thúc một tháng tạm lắng vào tháng 9, Triều Tiên đã tăng cường các vụ thử tên lửa trong khi đưa ra các đề nghị hòa bình có điều kiện với Seoul. Ông Sung Kim, đặc phái viên của Tổng thống Biden về Triều Tiên, dự kiến ​​sẽ đến Hàn Quốc vào cuối hôm nay để đàm phán với đồng minh về việc khôi phục các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Việc chính quyền Biden rút khỏi Afghanistan nhấn mạnh sự thay đổi lớn hơn trong việc tập trung của Mỹ khỏi các vấn đề tại châu Á, gồm cả những chuyện liên quan Triều Tiên và Iran. Thay vào đó, Mỹ đang đặt trọng tâm vào việc đối đầu với một đối thủ gần ngang hàng là Trung Quốc. Một phần của chiến lược rõ ràng đó dường như là đề nghị Triều Tiên nối lại các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết.

Có thể thấy Mỹ không muốn mất thời gian với Triều Tiên vào lúc này mà muốn dồn sức để cân não với Trung Quốc hơn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng dường như đang hiểu sai thông điệp này nên việc Mỹ hậu thuẫn Úc hay Đài Loan được phía Triều Tiên coi là một mối đe dọa nhắm về phía họ.

Chính vì vậy, Triều Tiên cho đến nay bác bỏ ý tưởng mở lại đàm phán cho đến khi Washington phải từ bỏ “chính sách thù địch”, một thuật ngữ mà Triều Tiên chủ yếu đề cập đến các lệnh trừng phạt và các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
11 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên ra mặt cảnh báo Mỹ chớ liều lĩnh bảo vệ Đài Loan