Ngày 13.9, hãng KCNA đưa tin CHDCND Triều Tiên vừa phóng thử thành công tên lửa hành trình tầm xa.
Vụ thử diễn ra cuối tuần qua, tên lửa bay xa 1.500km trước khi đánh trúng mục tiêu rồi rơi xuống vùng biển Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không có mặt giám sát, chỉ có Ủy viên Ban Thường trực Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên Pak Jong-chon cùng một số quan chức cấp cao khác chứng kiến vụ thử.
Theo KCNA: “Các bài kiểm tra chi tiết về bộ phận tên lửa, lực đẩy động cơ, kiểm soát và dẫn đường, sức mạnh đầu đạn đều được tiến hành thành công. Phát triển tên lửa hành trình tầm xa - một loại vũ khí chiến lược - có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm về phát triển khoa học quốc phòng và hệ thống vũ khí được đề ra”.
Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong vòng 6 tháng qua, dường như là động thái phô trương sức mạnh. Tuy nhiên nước này chỉ phóng tên lửa hành trình để tránh khiến Mỹ nổi giận.
Học giả Ankit Panda thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Triều Tiên xác định một loại "tên lửa hành trình đóng vai trò chiến lược" - cách nói phổ biến ám chỉ tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân.
Chưa rõ công nghệ quốc phòng Triều Tiên đủ phát triển để chế tạo đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ cho tên lửa hành trình không, nhưng nhà lãnh đạo Kim năm ngoái từng đặt yêu cầu phải tạo ra vũ khí hạt nhân nhỏ hơn.
Nhà nghiên cứu Hong Min thuộc Viện Thống nhất quốc gia Triều Tiên nhận định Bình Nhưỡng chắc chắn tiếp tục cố gắng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, hoạt động thử nghiệm như vụ thử mới nhất sẽ còn diễn ra thậm chí sẽ có loại tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Động thái mới nhất nêu trên diễn ra ngay trước lúc quan chức Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc chuẩn bị gặp nhau tại Tokyo tìm cách phá vỡ thế bế tắc trong nỗ lực đàm phán với Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng dự định sang Seoul gặp người đồng cấp Chung Eui-yong.
Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên, nhưng ông lại không sẵn sàng nới lỏng cấm vận. Phía Triều Tiên không tỏ ý muốn ngồi lại vào bàn đàm phán khi sự cấm vận chưa được dỡ bỏ.