Trong một bữa nhậu ở London, một thành viên nhóm tranh cử của ông Donald Trump khi say đã lộ ra chuyện Nga thông đồng với nhóm và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Trợ lý tranh cử của ông Trump nhậu say, 'phun' chuyện Nga thông đồng

06/01/2018, 16:08

Trong một bữa nhậu ở London, một thành viên nhóm tranh cử của ông Donald Trump khi say đã lộ ra chuyện Nga thông đồng với nhóm và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Papadopoulos bị FBI buộc tội khai man - Ảnh: New York Times

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của báo New York Times, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định “không có sự thông đồng” giữa nhóm tranh cử và Nga. Tổng thống Trump lưu ý cuộc điều tra này khiến “đất nước chúng ta trông rất tệ hại”, trong khi Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Mỹ, gần đây cảnh báo Mỹ chớ nên can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3.2018.

“Rượu vào lời ra” và lãnh hậu quả bị buộc tội khai man

Sau cuộc phỏng vấn ông Trump, NYT ngày 31.12.2017 dẫn 4 nguồn tin, nêu từ cuộc nhậu “rượu vào lời ra” của cố vấn chính sách ngoại giao George Papadopoulos (trong nhóm nhanh cử của ông Trump) với cựu Ngoại trưởng Úc Alexander Downer, Úc đã giúp Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở cuộc điều tra Nga thông đồng và can thiệp vào cuộc bầu cử.

Theo NYT, Papadopoulos đã cùng ông Downer nhậu với nhau tại quán bar Kensington Wine Rooms ở London (Anh) vào một đêm tháng 5.2016.

Tay trợ lý trẻ của ông Trump liên tục uống, rồi cho biết Nga có chiến dịch bôi nhọ đối thủ tranh cử Hillary Clinton của ông Trump, với hàng ngàn e-mail mà tin tặc Nga đã chiếm được sau khi xâm nhập máy chủ điện toán cá nhân của bà Clinton và của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC).

Hai tháng sau cuộc nhậu giữa Papadopoulos với ông Downer ở London, chính quyền Úc chuyển cho FBI Mỹ thông tin về những gì Papadopoulos được cho là đã nói. FBI liền mở cuộc điều tra rất bí mật, các đặc vụ cấp cao không đề cập gì trong mỗi buổi họp sáng. Nhóm điều tra cũng tìm thêm thông tin của các chính phủ bạn như Anh và Hà Lan.

Hồi tháng 10.2017, Papadopoulos, 29 tuổi, đã nhận tội khai man về “thời điểm, bản chất mối quan hệ của ông ta, cùng những lần tiếp xúc với một số công dân nước ngoài mà ông ta biết có quan hệ thân cận với các quan chức cấp cao của chính phủ Nga”, theo 4 nguồn tin của NYT là các cựu và đương kim quan chức Mỹ biết rõ vai trò của Úc.

Hồ sơ của cựu điệp viên Anh nói ông Trump bị Nga nắm thóp

Theo NYT, thông tin mà Papadopoulos nói với cựu Ngoại trưởng Úc đã giải đáp một bí mật trong năm qua: điều gì khiến các quan chức Mỹ gây ra việc FBI mở điều tra chống phản gián về những tháng tranh cử của ông Trump trước ngày bầu cử?

Cuộc điều tra này nghịch với một hồ sơ chưa được xác minh và gây tranh cãi (do cựu điệp viên Anh Christopher Steele cung cấp) vốn liệt kê chi tiết những hoạt động dâm ô và phi pháp ở Moscow của ông Trump, khiến vị tỉ phú Mỹ có thể bị Nga sử dụng để bắt ông phải có những nhượng bộ, trong một âm mưu rất kín kẽ của Nga để đưa ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Một nhóm đặc vụ FBI đã qua Anh để phỏng vấn Steele hồi đầu tháng 10.2016. 3 tháng trước đó, Steele cho một đặc vụ FBI xem một vài phát hiện, ở một cuộc gặp tại Roma.

Nếu đúng như thông tin của NYT, có lẽ việc một thành viên nhóm tranh cử của ông Trump có thể có thông tin nội bộ về vụ tin tặc Nga, đã dẫn đến việc FBI mở cuộc điều tra nghi án Nga phá cuộc bầu cử và nghi án nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga.

Ông Trump và các trợ lý đã phủ nhận những nội dung trong hồ sơ 35 trang của cựu điệp viên Anh. Họ trình bày quan điểm chính hồ sơ này khiến FBI bắt đầu điều tra ông Trump.

Nhưng theo NYT, chính nhờ thông tin của Úc đã khiến FBI điều tra nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga.

Các cuộc phỏng vấn và những tài liệu công bố trước đó cho thấy: Padopoulos giữ một vai trò trong tấn kịch trên, và cho thấy một chiến dịch can thiệp ráo riết và trải rộng của Nga. Nó bổ sung cho những thông tin mà các đặc vụ FBI, báo chí, nghị sĩ, về những người Nga có quan hệ với chính phủ đã cố gắng lập những kênh liên lạc bí mật với nhiều tầng nấc trong nhóm tranh cử của ông Trump.

Cuộc điều tra của FBI hiện do công tố viên đặc biệt Robert Muller giám sát, đã phủ bóng đen lên năm đầu tiên của Tổng thống Trump, dù ông và các trợ lý liên tục phủ nhận mối quan hệ với người Nga.

Papadopoulos trúng “quả lừa được gặp cháu gái Tổng thống Nga”

Kể từ khi bị buộc tội khai man, Papadopoulos trở thành một nhân chứng hợp tác với cuộc điều tra của FBI. Tay này người Chicago, từng là cố vấn về năng lượng ở London, khi nhóm tranh cử của ông Trump cần một nhóm chính sách đối ngoại đã phong Papadopoulos làm cố vấn hồi tháng 3.2016.

Kinh nghiệm làm chính trị của Papadopoulos chỉ là hai tháng tham gia nhóm tranh cử tổng thống bất thành của ông Ben Carson. Ông ta không có kinh nghiệm gì về vấn đề Nga.

Nhưng khi phỏng vấn Papadopoulos để tuyển dụng, trợ lý tranh cử Sam Clovis cho tay này biết: ông Trump đặt mục tiêu trọng tâm là hàn gắn quan hệ Mỹ-Nga vốn xuống cực thấp trong thời Tổng thống Barack Obama.

Clovis phủ nhận đã nói chuyện này với Papadopoulos, nhưng sau khi được tuyển làm cố vấn chính sách ngoại giao, Papadopoulos qua Ý để gặp giáo sư Joseph Mifsud người Malta. Ông Mifsus được cho là có quan hệ với Bộ Ngoại giao Nga, ban đầu không quan tâm Papadopoulos. Nhưng khi biết Papadopoulos thuộc nhóm tranh cử của ông Trump, Mifsud liền thân thiện với Papadopoulos, theo cáo trạng và các e-mail mà NYT có được.

Mục tiêu chung của Mifsud và Papadopoulos là thu xếp một cuộc gặp giữa ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow, hoặc giữa đại diện của hai người. Khi tranh cử, ông Trump đã tỏ ý ngưỡng mộ vị lãnh đạo Nga, và muốn gặp ông Putin.

Cuối tháng 3.2016, Mifsud thu xếp cho Papadopoulos gặp Olga Polonskaya, một thiếu nữ St Petersburg tại một quán cà phê ở London. Vị giáo sư lừa Papadopoulos rằng Polonskaya là cháu gái ông Putin.

Dù cô Polonskaya nói với NYT rằng cô nói tiếng Anh rất kém, nhưng e-mail cô gởi cho ông Papadopoulos lại viết tiếng Anh rất lưu loát, gồm một thư điện tử cô viết: “Chúng tôi rất phấn khởi trước khả năng có quan hệ tốt với ông Trump”.

“Tín hiệu cho cuộc gặp” giữa ông Trump với Tổng thống Nga

Quan trọng hơn, Mifsus giới thiệu Papapdopoulos với ông Igor Timofeev, chủ nhiệm chương trình của Câu lạc bộ thảo luận Valdai, nơi mà hàng năm ông Putin đều đến phát biểu với các học giả.

Papadopoulos và ông Timofeev đã liên lạc với nhau suốt 2 tháng, về cách chính phủ Nga liên lạc với nhóm tranh cử của ông Trump.

Công tố viên đặc biệt Muller ghi nhận ông Timofeev là giao liên của Bộ Ngoại giao Nga. Các biên bản ghi âm cho thấy có lẽ Timofeev đã báo cáo với cựu Ngoại trưởng Nga là ông Igor Ivanov.

Khi nhóm chính sách đối ngoại của ông Trump họp lần đầu tiên ở Washington vào cuối tháng 3.2016, Papadopoulos báo tin đã có đầu mối để lập cuộc gặp giữa ông Trump với ông Putin. Vị ứng viên tổng thống Mỹ nghe nhưng rồi chuyển việc giải quyết cho ông Jeff Sessions, theo những người dự họp cho NYT biết.

Lúc đó, ông Sessions là thượng nghị sĩ, chỉ huy nhóm cố vấn chính sách đối ngoại. Ông Sessions trở thành Bộ trưởng Tư pháp Mỹ hồi tháng 2, đã tránh đề cập cuộc họp này, khi được Quốc hội xét bổ nhiệm chức vụ. Sau này ông nói vì không nhớ cuộc gặp đó.

Gần đây, ông Sessions nói ông đã phản đối đề nghị của Papadopoulos, vì ông muốn một người không giỏi lại đại diện cho nhóm tranh cử về một vấn đề nhạy cảm.

Nếu nhóm tranh cử muốn Papadopoulos ngưng nhiệt tình, các e-mail mà NYT có được lại cho thấy tay này không hiểu thông điệp hoặc cố tình phớt lờ. Nhiều tháng sau, Papadopoulos tiếp tục cố gắng thu xếp gặp các đại diện Nga. Clovis cũng xúi ông ta và các cố vấn chính sách đối ngoại khác đến Moscow, nhưng không thể vì nhóm tranh cử không chịu chi kinh phí.

Ngày 27.4.2016, ông Trump công bố một chính sách đối ngoại được cho là do Papadopoulos soạn, gồm đề nghị cải thiện quan hệ với Nga.

Papadopoulos đã báo với ông Timofeec rằng “đấy là một tín hiệu muốn gặp”, theo NYT vốn còn cho biết “cháu gái của ông Putin” giả viết e-mail rằng “quan điểm của ông Trump đối với Nga đã mềm hơn so với các ứng cử viên khác”.

Nhưng đã không có cuộc gặp nào giữa ông Putin với ứng cử viên Trump. Hai nhà lãnh đạo chỉ gặp lần đầu tiên năm 2017.

“Tên nhóc bưng cà phê” nuôi mộng công danh

Chính phủ Mỹ đã phủ nhận vai trò của Papadopoulos trong chiến dịch tranh cử, nói ông ta chỉ là một “tình nguyện viên” và là “tên nhóc lo phục vụ cà phê”, chứ không có tầm ảnh hưởng đáng kể.

Nhưng theo NYT, những cuộc phỏng vấn và tài liệu mới cho thấy Papadopoulos có tầm ảnh hưởng xuyên suốt cuộc tranh cử.

Stephen Miller, lúc đó là một cố vấn cấp cao của nhóm tranh cử, nay là một trợ lý cấp cao ở Nhà Trắng, đã rất muốn Papadopoulos giúp quảng bá chính sách đối ngoại của ông Trump mà không là đại diện của nhóm tranh cử.

Nhưng nỗ lực đầu tiên của Papadopoulos trở thành thảm họa: ngày 4.5.2016, khi trả lời phỏng vấn của báo Times of London, ông yêu cầu Thủ tướng Anh David Cameron xin lỗi ông Trump, vì ông Cameron đã chỉ trích những lời ông Trump phê phán người Hồi giáo là “ngu và gây chia rẽ”.

Trang nhất báo trên chạy tựa Hãy xin lỗi Trump nếu không muốn mất quan hệ đặc biệt, Cameron được khuyên. Tiếp đó, Clovis nghiêm khắc khiển trách Papadopoulos đã làm rõ lời nói “như gắn bom” của ông ta.

Từ đó, Papadopoulos cẩn thận hơn với báo chí, nhưng không thể được Clovis cùng các thành viên nhóm tranh cử tín nhiệm nữa.

Vậy mà Papadopoulos vẫn tiếp tục cố gắng rỏ ra có ích với các cố vấn cấp cao của ông Trump. Hồi tháng 9.2016, khi Đại hội đồng LHQ sắp diễn ra, có thông tin bà Clinton sắp gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi ở New York.

Papadopoulos liền gởi tin nhắn cho trưởng nhóm tranh cử Stephen Bannon, đề nghị để ông ta làm môi giới cho cuộc gặp giữa ông Trump với Tổng thống Ai Cập. Sau nhiều ngày bàn luận, cuộc gặp được thu xếp, Papadopoulos gởi danh sách những điểm cần nói đến Bannon.

Việc ông Trump trúng cử tổng thống một cách khó tin đã giúp Papadopoulos tăng hy vọng sẽ leo đến một chức vụ cao trong Nhà Trắng.

Và chiến thắng của ông Trump cũng dẫn đến một đề xuất làm ăn của Sergei Millian, một công dân Mỹ sinh ở Belarus. Millian gặp Papadopoulos nhiều lần, khoe có quan hệ rộng với ông Trump (các trợ lý của ông nói Millian “nổ”).

Millian đề nghị cùng Papadopoulos một công ty về năng lượng, với tiền tài trợ của các tỉ phú Nga “không bị Mỹ cấm vận” và “sẽ mở mọi cánh cửa cho chúng ta ở bất kỳ bậc thang lên chức vụ cao”.

Millian nói một tỉ phú Nga muốn khai thác ý tưởng mở một khách sạn thương hiệu Trump ở Moscow. Ông ta viết thư: “Tôi biết Tổng thống sẽ tự tách khỏi chuyện làm ăn, nhưng con cái ông ấy có thể quan tâm”.

Các đề nghị này không dẫn đến kết quả nào, phần nào vì Papadopoulos hy vọng Cố vấn an ninh quốc gia Michael T. Flynn sẽ cho ông ta phụ trách mảng năng lượng trong Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng.

Khi năm 2016 sắp kết thúc, Papadopoulos viết thiệp chúc tết: “Chúc mừng năm mới, thưa ngài”.

Ông Flynn cũng gởi thiệp chúc, trước thềm một năm mới có nhiều hứa hẹn. Nhưng đến giữa tháng 2, Tổng thống Trump cách chức Cố vấn an ninh quốc gia của Flynn, rồi FBI đã buộc tội Flynn-Papadopoulos khai man.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trợ lý tranh cử của ông Trump nhậu say, 'phun' chuyện Nga thông đồng