Trong tấm ảnh chụp Ngã 3 Đông Dương, thảm rừng hai nước bạn vẫn xanh tươi còn bên nước mình thì không được... xanh cho lắm.
Miền Trung đang đối mặt với bão chồng bão, lũ chồng lũ gây ra những thiệt hại to lớn về con người và vật chất. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là biến đối khí hậu khiến miền Trung hứng chịu lượng mưa lớn bất thường bằng lượng mưa cả năm gộp lại chỉ trong mấy ngày.
Nhưng bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu, thì yếu tố con người cũng gây ra thảm họa mà cụ thể là nạn phá rừng khiến mưa lũ ngày càng bất thường, tạo ra sạt lở đất.
Sẽ là khập khiễng nếu chúng ta so sánh việc trồng rừng ở Việt Nam so với các nước Âu - Mỹ hay một nước châu Phi, Mỹ latin vì điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế và xã hội là khác nhau. Tuy nhiên, nếu so sánh với 2 nước láng giềng trên bán đảo Đông Dương là Lào và Campuchia thì có thể phần nào đánh giá chính xác hơn về công tác quản lý rừng của Việt Nam. Có một tấm ảnh mà tôi muốn gửi tới độc giả như cảnh báo về một phần hiện trạng quản lý và phát triển rừng của Việt Nam.
Hãy quan sát ngã ba Đông Dương để tự cảm nhận. Trong tấm ảnh chụp vệ tinh cột mốc ngã ba biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia mà Một Thế Giới lấy vào ngày 20.10.2020, bố cục có phân mảng rõ ràng. Phía bên phải tấm hình tức khu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam thì đó là nền vàng đốm xanh, không thể hiện một thảm xanh thực vật. Tương phản là phía trái tấm hình với màu xanh ngắt bên phía Lào và Campuchia. Thảm rừng hai nước bạn vẫn xanh tươi còn bên nước mình thì không được... xanh cho lắm.
Trang Kinh tế môi trường ngày 15.10.2020 ghi nhận Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283ha, tức mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430ha rừng.
Theo nhận định của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Một thực tế đang diễn ra là diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm; thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân là do người dân đốt rừng làm nương rẫy. Báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, hiện nay, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ngày càng phức tạp hơn, nên cơ quan chức năng khó phát hiện.
Theo chuyên gia lâm nghiệp - GS Nguyễn Ngọc Lung, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ.
Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…
Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.
Tôi không muốn bình luận thêm về nguyên nhân nào, lý do nào khiến bức ảnh trên có sự tương phản như thế. Lúc này, chỉ còn biết cầu nguyện cho miền Trung vượt qua bão lũ năm nay. Còn sang năm và các năm sau nữa, điều gì xảy ra với miền Trung, với Tây Nguyên thì thực tình tôi không dám nghĩ tới.