Nếu tôi kể với bạn rằng, trên đời này vẫn còn một số anh thanh niên hỏi thẳng lẫn xa gần người yêu: “Em còn trinh không?”, thì liệu bạn có tin là thật?
Hay bạn cho rằng, đó là câu chuyện của thế kỷ trước, ở những vùng sâu vùng xa nào đấy, chứ chẳng thể nào đấy là hành xử của đàn ông thì hiện tại được?
Thật ra, đàn ông luôn luôn muốn là mình là người đầu tiên của một cô gái. Cảm giác đến sau có thể thông cảm, nếu là… vị trí trong tim, cuộc tình thứ hai, thứ ba, chứ nếu về mặt… thể xác, đàn ông không thể nào chịu nổi cảm giác mình phải húp nước sái, ăn của ôi.
Nếu có cao thượng, hoặc yêu lắm, chẳng thể nào mất cô gái ấy được, thì sau khi đã chán chê, sở hữu, thành vợ thành chồng, thì cũng có lúc đắng đót và cay cú mỗi khi vô tình nghe ai đó nghêu ngao câu hát suốt đời anh vẫn mãi là người đến sau… Vậy đấy.
Có thể hơi thô thiển, nhưng đấy là suy nghĩ còn khá phổ biến của nam giới. Họ luôn muốn bạn gái phải chứng minh tình yêu bằng cách cho, cho nữa, cho mãi.
Sau khi đã tỏ đường đi lối về, chàng trai có khi không cố tình cao chạy xa bay, nhưng rồi vẫn chia tay vì lý do này hay lý do khác. Khi gặp một đối tượng mới, cũng chính chàng thanh niên ấy sẽ lặp lại từ đầu quá trình làm quen - tán tỉnh - yêu đương - đòi hỏi - chứng minh - chiếm hữu - bỏ đi…
Để rồi lúc gặp bạn bè trà dư tửu hậu, anh đàn ông từng trải đó tự hào và huênh hoang khoe rằng, mình đã làm hao tốn không biết bao nhiêu gái trong thiên hạ nữa kìa!
Cô gái của lần yêu trước, sau một thời gian gặm nhấm vết thương lòng, có thể sẽ yêu lại từ đầu, với một người biết trân trọng hơn. Hy vọng thế.
Cô cũng đủ khôn ngoan để giữ mình, thậm chí giả nai rất đạt, hoặc diễn màn nói dối khi được đương kim người yêu hỏi nhỏ, thẳng thắn hay vòng vo, rằng: Em còn trinh không?
Bao nhiêu cô gái tội nghiệp sẽ thành thật thú nhận rằng, em đã lỡ “mất” rồi anh ạ? Trinh tiết, thật ra về mặt y học, nó là một cái màng mỏng, có thể bị rách khi té ngã, chạy nhảy. Em có trái tim còn jin để trao tặng anh đây.
Cho em là tình cuối của anh, anh nhé? Bao nhiêu người đàn ông sẽ ở lại sau tình huống giả định vừa kể này? Chắc hẳn là không nhiều lắm đâu nhỉ!
Nên trên đời này mới nảy sinh ra những món ăn chơi gọi là “màng trinh giả” và “vá màng trinh”. Những thứ ấy dùng để làm gì? Che mắt đàn ông? Lừa dối đàn ông?
Phỉ báng những giá trị đạo đức? Cổ vũ cho phụ nữ hư hỏng? Khuyến khích lối sống phóng túng vô tội vạ? Hay như một người nào đó, chắc hẳn là nữ giới, đã “phán” rằng, để chứng tỏ đàn ông vẫn thế, chưa… tiến hóa hết, còn phong kiến, cổ hủ, cố chấp, ngớ ngẩn và… ngây thơ lắm!
Em còn trinh không?! Câu hỏi khó nhằn ấy đã mang hạnh phúc của bao cặp đôi đi mất. Đã làm bao nhiêu cô gái nhẹ dạ, cả tin, cứ tưởng lấp lánh đều là vàng phải ôm hận vì nuối tiếc.
Tại sao lại tiếc nhiều đến vậy? Có lẽ không phải cô tiếc một chút màng mỏng, mà bởi đã trao thân nhằm cho kẻ không xứng đáng. Tiếc vì thương người đàn ông đến sau sẽ bị thiệt thòi.
Tại sao lại thiệt thòi? Vì không được bóc tem nên khó chịu, tức tối, xỉ vả? Bao nhiêu cô gái đã mất niềm tin, trăn trở, âm thầm cố gắng sống tốt hơn, làm mẹ hiền dâu thảo vợ đảm để bù đắp cho chồng.
Anh chồng kia, biết đâu trước khi lấy vợ, cũng đã hại đời kha khá cô gái đáng thương khác, nhưng giờ đang phởn phơ vì thấy vợ có vài giọt máu hồng hồng trong đêm tân hôn.
Anh ấy mãn nguyện, bởi cuối cùng cũng đã tìm được người xứng đáng với tình yêu của mình.
Hay bởi tình yêu của anh đàn ông kia, chẳng qua cũng không dày dặn hơn cái màng kia được bao nhiêu, vậy mà.
Hoàng My