Hôm 13.9, Trung Quốc đã thêm quy định mới cho các gã khổng lồ công nghệ nước này, yêu cầu chấm dứt thói quen lâu đời trong việc chặn liên kết đối thủ trên các trang web của mình nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả.

Trung Quốc bắt các hãng công nghệ lớn ngừng chặn link đối thủ nếu không sẽ lãnh hậu quả

Sơn Vân | 13/09/2021, 21:23

Hôm 13.9, Trung Quốc đã thêm quy định mới cho các gã khổng lồ công nghệ nước này, yêu cầu chấm dứt thói quen lâu đời trong việc chặn liên kết đối thủ trên các trang web của mình nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả.

Thông báo do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) đưa ra tại cuộc họp báo, đánh dấu bước mới nhất trong cuộc áp đặt các quy định rộng rãi của Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực từ công nghệ đến giáo dục, khiến tài sản của một số công ty lớn nhất bị xóa sổ hàng tỉ USD giá trị khỏi thị trường.

Internet của Trung Quốc bị chi phối bởi một số ít các gã khổng lồ công nghệ, những hãng từng chặn các liên kết và dịch vụ các đối thủ trên nền tảng của họ.

Theo người phát ngôn của MIIT - Zhao Zhiguo, việc hạn chế truy cập thông thường vào các liên kết internet mà không có lý do chính đáng "ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, gây thiệt hại đến quyền lợi của người dùng và phá vỡ trật tự thị trường". Zhao Zhiguo nói thêm rằng MIIT đã nhận được báo cáo và khiếu nại từ người dùng kể từ khi đưa ra đánh giá về các hoạt động trong ngành vào tháng 7.

"Chúng tôi đang hướng dẫn các công ty liên quan thực hiện việc tự kiểm tra và sửa chữa", ông nói và cho biết nền tảng nhắn tin tức thời là một trong những lĩnh vực đầu tiên họ nhắm đến.

Zhao Zhiguo không nói rõ hậu quả sẽ như thế nào với các công ty không tuân thủ các hướng dẫn mới.

MIIT không nêu tên bất kỳ công ty nào, nhưng tờ 21 Century Business Herald đưa tin hôm 11.9 rằng Alibaba Group Holding Ltd và Tencent Holdings Ltd là những công ty được yêu cầu kết thúc hoạt động này vào tuần trước.

Cổ phiếu của Alibaba Group và Tencent Holdings đã giảm lần lượt hơn 6% và 3% vào 13.9 so với mức giảm 3% của Chỉ số Công nghệ Hang Seng.

trung-quoc-bat-cac-hang-cong-nghe-lon-ngung-chan-link-doi-thu1.jpg
WeChat của Tencent không còn được chặn liên kết đến ứng dụng của ByteDance, Alibaba

Hoạt động được MIIT nhắm mục tiêu là phổ biến.

Tencent hạn chế người dùng chia sẻ nội dung từ ứng dụng video ngắn Douyin thuộc sở hữu của ByteDance trên ứng dụng nhắn tin tức thời WeChat và QQ của mình. Vào tháng 2, Douyin đã đệ đơn lên một tòa án Bắc Kinh nói rằng hành động này đã cấu thành hành vi độc quyền. Tencent đã gọi những lời buộc tội đó là vô căn cứ.

Trong các trường hợp khác, các trang thương mại điện tử Taobao và Tmall của Alibaba không cho phép sử dụng dịch vụ thanh toán WeChat Pay của Tencent làm tùy chọn thanh toán.

Tencent cho biết ủng hộ hướng dẫn của MIIT và sẽ thực hiện những thay đổi cần thiết theo từng giai đoạn. Alibaba nói họ sẽ tuân thủ các yêu cầu của MIIT và "mong muốn tìm được điểm chung với các nền tảng khác".

ByteDance "kêu gọi tất cả các nền tảng internet hành động, không bào chữa, làm rõ thời gian biểu và tích cực triển khai chúng để cung cấp cho người dùng một mạng an toàn, đáng tin cậy, thuận tiện".

Michael Norris, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược tại Cơ quan tư vấn Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, nói: "Những cuộc đàn áp trong khu vườn có tường bao quanh của Trung Quốc có khả năng viết lại cảnh quan thương mại điện tử và quảng cáo kỹ thuật số nước này. Trong ngắn hạn, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Tencent khi hãng này nắm bắt được ý nghĩa của việc mở liên kết Alibaba và ByteDance trên WeChat”.

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng MIIT - Xiao Yaqing cho biết Trung Quốc có quá nhiều nhà sản xuất xe điện (EV) và chính phủ sẽ khuyến khích hợp nhất các hãng.

Xiao Yaqing cũng nói Trung Quốc sẽ cải thiện mạng lưới sạc và phát triển doanh số bán ô tô điện ở các thị trường nông thôn.

Việc chính phủ thúc đẩy các phương tiện xanh hơn để giảm thiểu ô nhiễm đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô điện như Nio, Xpeng và BYD mở rộng năng lực sản xuất tại Trung Quốc.

Xiao Yaqing nói MIIT đang đẩy nhanh các giải pháp thay thế để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip ô tô.

Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc tuần trước đã phạt ba công ty bán chip ô tô vì tăng giá, trong một động thái nhằm giúp sản xuất ô tô tại thị trường xe lớn nhất thế giới.

Tình trạng thiếu chip toàn cầu kéo dài đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô lớn, bao gồm Ford Motor, Honda Motor và Volkswagen, buộc nhiều hãng phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản xuất.

Bài liên quan
Lãnh đạo Tencent bị bắt vì chuyển dữ liệu WeChat cho cựu Thứ trưởng Bộ Công an
Một lãnh đạo Tencent đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ vì cáo buộc “tham nhũng cá nhân”, sau khi truyền thông cho biết vụ việc có liên quan đến chia sẻ dữ liệu cá nhân từ ứng dụng WeChat phổ biến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc bắt các hãng công nghệ lớn ngừng chặn link đối thủ nếu không sẽ lãnh hậu quả