Nghị viện châu Âu (EP) tuần trước thông qua việc hoãn xem xét thỏa thuận đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc với tỷ lệ phiếu đồng ý áp đảo.

Trung Quốc bị EU lạnh nhạt do chính sách ngoại giao chiến lang

Cẩm Bình | 28/05/2021, 10:28

Nghị viện châu Âu (EP) tuần trước thông qua việc hoãn xem xét thỏa thuận đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc với tỷ lệ phiếu đồng ý áp đảo.

Diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, động thái trên khiến Bắc Kinh chấn động. Một số đảng viên lo ngại không khí dịp kỷ niệm sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi thực tế ngoại giao “cay đắng”: nay không chỉ quan hệ với Mỹ trở nên tồi tệ mà quan hệ với EU cũng rơi vào thế tuyệt vọng.

Ở tình cảnh hiện tại, không có nhiều nhà lãnh đạo châu Âu muốn gửi lời chúc mừng. Chủ tịch Tập Cận Bình chẳng có nhiều cách cứu vãn.

china.jpg
Trung Quốc nhận tin buồn từ EU ngay sát thềm kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh: Nikkei Asian Review

Trung Quốc - EU ký kết Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) vào cuối năm 2020, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài sang năm thứ 2. Bắc Kinh ca ngợi đây là một thắng lợi to lớn trên trường quốc tế. Giới phân tích cũng nhận xét CAI mang ý nghĩa chiến lược lớn hơn lợi ích kinh tế đơn thuần.

Vào thời điểm đó, quan hệ EU - Mỹ (dưới thời Tổng thống Donald Trump) không tốt đẹp. Trung Quốc dường như đã thành công chia rẽ liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Vậy mà nay tương lai của CAI rất u ám. EP chịu trách nhiệm phê chuẩn thỏa thuận, nên quyết định hoãn xem xét ngày 20.5 khiến thỏa thuận không thể sớm có hiệu lực.

Ngày 17.5, Thủ tướng Lý Khắc Cường gọi điện cho người đồng cấp Ý Mario Draghi: “Các bên nên làm việc cùng nhau để đảm bảo CAI được ký kết và sớm có hiệu lực”.

Ý có quan hệ khá tốt đẹp với Trung Quốc, là thành viên Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) duy nhất chính thức tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI). Bắc Kinh vốn hy vọng EP sớm hoàn thành việc xem xét thỏa thuận đầu tư trước hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome cuối tháng 10 tới.

eu-china-comprehensive-investment-agreement.jpg
Cách tiếp cận Trung Quốc của EU đã thay đổi - Ảnh: Euronews

Nỗ lực của Thủ tướng Lý thất bại vì căng thẳng xung quanh vấn đề nhân quyền nghiêm trọng đến mức không thể cứu vãn.

Vào tháng 3, EU trừng phạt Trung Quốc vì chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh thực hiện ở Tân Cương. Đây là đợt trừng phạt nhắm vào Trung Quốc đầu tiên của EU kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 đến nay.

Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU vào năm ngoái, CAI sẽ giúp doanh nghiệp châu Âu dễ dàng thâm nhập thị trường Trung Quốc hơn. Phía quốc gia châu Á khẳng định “hai bên cùng có lợi”, nhưng EU cuối cùng lại quyết không bỏ qua vấn đề nhân quyền.

Vài ngày sau khi EP quyết định hoãn xem xét CAI, đến lượt Lithuania thông báo rút khỏi 17 + 1 (cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc với 17 nước Trung Âu và Đông Âu, song hành với BRI giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng).

Một số thành viên 17 + 1 là thành viên EU, Trung Quốc hoàn toàn có thể thông qua họ tác động đến chính sách EU. Nhưng Lithuania vừa phá vỡ mọi kế hoạch.

gabrielius-landsbergis-800x450.jpg
Ngoại trưởng Lithuania thông báo nước này rút khỏi 17 + 1 - Ảnh: Reuters

Dù chỉ là quốc gia nhỏ với chưa đầy 3 triệu dân, Lithuania thời gian qua lại bất ngờ “tham gia” vào cuộc ăn miếng trả miếng giữa EU với Trung Quốc.

Trong số 10 cá nhân bị Trung Quốc trừng phạt để đáp trả EU có 1 chính trị gia Lithuania. Chính vì sự trừng phạt trả đũa này mà EP quyết định hoãn xem xét CAI.

Cũng trong tháng 3, Lithuania thông báo sẽ mở văn phòng đại diện thương mại tại Đài Loan. Quốc hội Lithuania ngày 20.5 còn thông qua nghị quyết lên án cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng.

Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Tờ Thời báo Hoàn cầu (phụ san của  Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) viết trong một bài xã luận rằng Lithuania không đủ tư cách công kích Trung Quốc, và đây không phải là cách ứng xử của nước nhỏ.

“Chẳng có vấn đề gì khi Lithuania rút khỏi 17 + 1 cả, nhưng chúng tôi yêu cầu họ đừng đụng chạm đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Lithuania rút khỏi 17 + 1 có thể vì họ nhận định đứng trong khối EU hùng mạnh dễ đối phó Trung Quốc hơn là tham gia một cơ chế thân Trung, cũng có thể họ nhận thấy mối nguy nào đó nên chủ động “thoát Trung”. Động thái của Lithuania ảnh hưởng những thành viên 17 + 1 khác.

Không chỉ bất hòa với châu Âu, Trung Quốc hiện cũng chẳng được lòng Úc. Nhằm đáp trả việc Canberra đình chỉ 2 dự án thuộc BRI, Bắc Kinh dừng mọi hoạt động trong khuôn khổ đối thoại kinh tế chiến lược song phương.

Vị thế quốc tế xấu đi của Trung Quốc chính là cơ hội để Tổng thống Joe Biden củng cố mối liên minh với hàng loạt quốc gia (vốn bị tổn hại bởi chủ nghĩa biệt lập thời Tổng thống Trump).

Bài liên quan
Hạ Trung Quốc, Việt Nam thuận lợi trên đường tìm vé dự futsal World Cup
Sau khi để hòa Myanmar 1-1 trong trận ra quân tại VCK futsal châu Á, đội tuyển Việt Nam đã thắng Trung Quốc 1-0.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc bị EU lạnh nhạt do chính sách ngoại giao chiến lang