Các địa phương mắc nợ nhiều nhất của Trung Quốc đã áp dụng phương pháp mới để giảm bớt gánh nặng nợ nần: Biến các kho dữ liệu khổng lồ thành tài sản trên bảng cân đối kế toán của họ.
Thế giới số

Trung Quốc: Các địa phương biến dữ liệu khổng lồ thành tài sản để giảm nợ

Sơn Vân 09/05/2024 23:06

Các địa phương mắc nợ nhiều nhất của Trung Quốc đã áp dụng phương pháp mới để giảm bớt gánh nặng nợ nần: Biến các kho dữ liệu khổng lồ thành tài sản trên bảng cân đối kế toán của họ.

Cách tiếp cận khác thường này đã được thử nghiệm ở một số địa phương và chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số nợ của họ. Phương pháp đó đặt ra các câu hỏi về tính hợp pháp và tính bền vững ngay cả khi nó đưa ra lối thoát hấp dẫn cho các địa phương đang đối mặt với áp lực tài chính.

Trung Quốc đã tăng cường giám sát chính quyền địa phương trong hai năm qua, do tình trạng suy thoái kéo dài trên thị trường bất động sản và các khoản chi khổng lồ để kiểm soát đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến tài chính khu vực.

Các nhà phân tích cho biết việc bán đất không còn mang lại doanh thu như trước đây, nên các tài sản vô hình như dữ liệu có thể giúp một số chính quyền địa phương bơm sinh khí vào sổ cái của họ. Tuy nhiên, những tài sản thuộc loại này thường khó đánh giá hơn khi xét đến vấn đề tài chính.

Năm ngoái, Trung Quốc đã phê duyệt một bộ quy tắc kế toán cập nhật cho phép các công ty đưa tài nguyên dữ liệu dưới dạng “tài sản vô hình” hoặc “hàng tồn kho” vào báo cáo tài chính của họ.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết dữ liệu doanh nghiệp có thể được phân loại là “tài sản vô hình” miễn là chúng đáp ứng các tiêu chuẩn kế toán nhất định, và dữ liệu được lưu giữ để bán trong hoạt động kinh doanh hàng ngày có thể được đưa vào mục “hàng tồn kho”.

Gồm phần mềm, cơ sở dữ liệu và sở hữu trí tuệ, “tài sản vô hình” sẽ chiếm tỉ trọng ngày càng tăng trong bảng cân đối kế toán của các công ty Trung Quốc.

Bộ Tài chính cho biết quy mô nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã vượt quá 50.000 tỉ nhân dân tệ (6.900 tỉ USD) vào năm 2022, chiếm 41,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước này.

Kể từ đầu năm 2024, đã có ít nhất 77 thực thể tại Trung Quốc đăng ký dữ liệu của họ là tài sản, gồm 19 phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV), 25 doanh nghiệp nhà nước và 33 công ty tư nhân, theo ước tính từ hãng chứng khoán China Merchant Securities dựa trên các thông tin công khai.

LGFV (phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương) là cơ chế tài trợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Nó thường tồn tại dưới hình thức một công ty đầu tư vay tiền để tài trợ cho việc phát triển bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng địa phương. LGFV đã sinh sôi nảy nở kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

5 trong số 19 LGFV này đến từ tỉnh Giang Tô của Trung Quốc và 4 từ tỉnh Sơn Đông. Với các LGFV đó, dữ liệu liên quan đến giao thông, gồm giao thông đô thị và tài nguyên bãi đậu xe, được đăng ký là “tài sản vô hình” phổ biến nhất, China Merchant Securities cho biết trong một ghi chú vào ngày 2.5.

Các loại dữ liệu khác như cơ sở dữ liệu mạng lưới ống dẫn nhiệt và mạng lưới dữ liệu dịch vụ công cũng được phân loại theo cách này.

2 trong số 19 LGFV đó, 1 đến từ thành phố Thiên Tân và 1 ở tỉnh Tứ Xuyên, đã đăng ký dữ liệu làm tài sản và thành công trong việc huy động được nguồn tài chính. Thế nhưng, quy mô khoản vay tương đối nhỏ so với tổng số nợ của họ. Cụ thể là 15 triệu nhân dân tệ so với khoản nợ hơn 54 tỉ nhân dân tệ tính đến tháng 6.2023.

cac-dia-phuong-no-nhieu-nhat-trung-quoc-bien-du-lieu-khong-lo-thanh-tai-san-de-giam-ganh-nang.jpg
Các chính quyền địa phương của Trung Quốc đang cố gắng phân loại kho dữ liệu khổng lồ của họ thành tài sản để giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần - Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo trang SCMP, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích chính quyền địa phương chuyển đổi LGFV của họ, vốn có truyền thống tập trung vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, thành các thực thể thương mại nhưng đến nay kết quả không được như mong đợi.

Tờ Nhật báo Thiên Tân dẫn lời một quan chức giấu tên của tập đoàn Tianjin Lingang Holdings cho biết: “Khoản tiền vay được từ các ngân hàng sẽ sử dụng cho các hoạt động, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Thông qua tài sản kỹ thuật số của mình, chúng tôi đã nhận được tín dụng từ các ngân hàng. Nó đã mở rộng dòng tiền của công ty và giúp thúc đẩy hơn nữa việc đưa dữ liệu của chúng tôi vào làm tài sản”.

Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý xung quanh dữ liệu, chẳng hạn quyền sở hữu, đánh giá và chất lượng của những gì có thể được tính là tài sản, vẫn chưa rõ ràng, theo Dagong Global Credit Rating.

Dagong Global Credit Rating là công ty xếp hạng tín dụng quốc doanh có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc. Được thành lập vào năm 1994, Dagong Global Credit Rating là một trong những công ty xếp hạng tín dụng đầu tiên ở Trung Quốc và là một trong ba hãng xếp hạng tín dụng lớn nhất nước này, cùng với China Chengxin Credit International và Xinda International Credit Rating.

Dagong Global Credit Rating cho biết trong một lưu ý vào tháng trước: “Với các doanh nghiệp có nguồn tài nguyên dữ liệu dồi dào, việc thêm dữ liệu làm tài sản vào bảng cân đối kế toán có thể phản ánh tốt hơn tình hình tài chính thực sự của họ. Tuy nhiên, nếu tính đến các yếu tố như quyền sở hữu, tính kịp thời và khả năng biến động giá trị của dữ liệu, việc thúc đẩy sử dụng dữ liệu như tài sản vẫn gặp phải khó khăn”.

Bài liên quan
Quan điểm khác lạ của Mark Zuckerberg khi các hãng công nghệ lớn tìm nguồn dữ liệu mới để đào tạo AI
Trong cuộc đua tìm kiếm dữ liệu đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) của các hãng công nghệ lớn, Mark Zuckerberg đưa ra một quan điểm thú vị: Vấn đề không nằm ở dữ liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc: Các địa phương biến dữ liệu khổng lồ thành tài sản để giảm nợ