Tuy nắm giữ kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc vẫn phải vất vả ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài qua các kênh bí mật, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng.
Xem xét kỹ việc sử dụng đồng USD của cá nhân/doanh nghiệp Trung Quốc dù không hề có dấu hiệu khủng hoảng tài chính, gia tăng nỗ lực thu hút vốn nước ngoài, là 2 dấu hiệu khiến giới phân tích nghi ngờ chính quyền Bắc Kinh đang lo ngại nguy cơ thiếu USD.
Nhìn bề ngoài thì nền kinh tế châu Á này chẳng có lý do gì để lo ngại: Khoảng 2/3 dự trữ ngoại hối (tổng trị giá 3,1 nghìn tỉ USD) được cho là USD.
Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối khổng lồ cùng một loại tiền tệ tương đối ổn định không phản ánh những căng thẳng trong nền kinh tế, vì có thể chúng chẳng đủ để tạo ra một lượng dự trữ an toàn phục vụ hoạt động nhập khẩu và trả hết nợ trong trường hợp bất lợi – đồng nhân dân tệ mất giá mạnh.
Các nhà phân tích nghi ngờ Trung Quốc sắp phải chịu một cuộc khủng hoảng thanh toán như Argentina năm ngoái. Quốc gia Mỹ Latinh này hứng chịu lạm phát lẫn khủng hoảng tiền tệ do sự thiếu hụt ngoại tệ mang tính cơ cấu làm hạn chế nhu cầu thực tế cũng như khiến nền kinh tế tăng trưởng thiếu bền vững.
Theo nhà kinh tế Kevin Lai thuộc công ty đầu tư Đại Hòa (Hồng Kông): “Nếu có cú sốc bất ngờ ập đến thì Trung Quốc sẽ không đủ USD để hỗ trợ đồng nhân dân tệ. Vì vậy họ phải ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài đồng thời thu hút thêm vốn từ ngoài chảy vào”.
Giống đồng tiền của nhiều nước khác, nhân dân tệ được hỗ trợ bởi lượng dự trữ ngoại hối khủng – với phần lớn đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Những tài sản loại này không chỉ phục vụ mục đích giữ vững nội tệ mà còn nhằm đóng vai trò đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng trong nước.
Nếu các biện pháp kiểm soát thiếu hiệu quả khiến dòng vốn chảy đi, trong khi một phần dự trữ ngoại hối không dễ chuyển đổi thành tiền mặt, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ sớm chẳng đủ tiền duy trì ổn định tiền tệ.
Ngay từ lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu đánh thuế vào tháng 7.2018 thì sự lo ngại nền kinh tế Trung Quốc suy yếu mạnh hơn dự kiến đã xuất hiện, qua đó đẩy nhanh tốc độ vốn chảy ra ngoài và giảm nguồn cung USD trong hệ thống.
Nhưng giới hoạch định chính sách của Trung Quốc lại sợ rằng sử dụng nhiều dự trữ ngoại hối hơn nữa (thậm chí đưa dự trữ giảm xuống mức tâm lý 3 nghìn tỉ USD) sẽ tạo ra đầu cơ, chu kỳ vốn chảy rồi nội tệ mất giá lại tiếp diễn.
Khoảng 3,1 nghìn tỉ USD là mức dự trữ ổn định mà giới chức Bắc Kinh cố gắng duy trì, sau khi “đốt” gần 1 nghìn tỉ USD từ giữa năm 2014 và 2017 để bảo vệ đồng nhân dân tệ. Dự trữ ngoại hối Trung Quốc hiện chưa bằng 30% GDP nước này, năm 2010 là 48%.
Song song đó, nợ nước ngoài của họ tăng lên mức kỷ lục 1,97 nghìn tỉ USD vào năm 2018. Như vậy dự trữ ngoại hối gấp khoảng 1,6 lần nợ nước ngoài, chỉ đủ chi trả cho 12 tháng nhập hàng hóa cùng dịch vụ.
Lúc chiến tranh thương mại leo thang, giới chức Bắc Kinh âm thầm thắt chặt hoạt động đưa tiền ra ngoài. Mặc dù luật pháp hiện hành cho phép công dân rút tối đa 50.000 USD/năm, nhưng cựu cố vấn PBOC Dư Vĩnh Định vừa bị từ chối chuyển 20.000 USD từ tài khoản cá nhân ra nước ngoài, phía ngân hàng lấy lý do ông đã hơn 65 tuổi.
Không những vậy, yêu cầu rút ngoại tệ từ 3.000 USD trở lên – thay vì 5.000 USD như trước – nay đều bị xem xét kỹ lưỡng. Theo dữ liệu từ Thomson Reuters, lãi suất gửi USD kỳ hạn 1 năm đã tăng từ 2,4% (tháng 8.2018) lên 3,4%.
Cựu cố vấn Dư đánh giá: “Tôi luôn ủng hộ kiểm soát vốn, tuy nhiên đôi lúc chúng ta thực hiện những biện pháp kiểm soát quá cực đoan. Giao dịch ngoại hối hợp pháp đang bị cản trở”.
Cẩm Bình (theo SCMP)