Vẫn dẫn trước Trung Quốc về GDP, Mỹ lần đầu tiên bị tụt lại phía sau ở bảng xếp hạng Fortune Global 500.

Trung Quốc có nhiều công ty hơn Mỹ ở bảng xếp hạng Fortune Global 500, Ấn Độ ở vị trí nào?

Nhân Hoàng | 04/04/2021, 10:12

Vẫn dẫn trước Trung Quốc về GDP, Mỹ lần đầu tiên bị tụt lại phía sau ở bảng xếp hạng Fortune Global 500.

GDP là viết tắt của cụm từ Gross Domestic Product, có nghĩa là tổng sản phẩm nội địa hay tổng sản phẩm quốc nội. Đây là chỉ số dùng để đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm hoặc 1 quý).

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức ngày 20.1, Tổng thống Joe Biden hôm 25.3 đã thẳng thắn nhắm vào Trung Quốc. Khẳng định rằng mục tiêu của Trung Quốc là trở thành "quốc gia hàng đầu trên thế giới", nhà lãnh đạo nước Mỹ thề rằng điều này sẽ không xảy ra theo quan điểm của ông. Thật vậy, một trong những lý do cho đề xuất chi tiêu về cơ sở hạ tầng khổng lồ của ông Biden là cuộc chạy đua với Trung Quốc. Tổng thống Biden lưu ý rằng Trung Quốc chi tiêu nhiều gấp ba lần so với Mỹ cho cơ sở hạ tầng, một khoảng cách mà ông đã hứa sẽ thu hẹp.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy trận chiến giành quyền thống trị kinh tế toàn cầu hiện là cuộc đua song mã, với vị thế bá chủ đã được khẳng định và Mỹ đang cố gắng kìm chân đối thủ chính là Trung Quốc. Về kinh tế vĩ mô, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc theo giá thị trường đang tiệm cận Mỹ và có khả năng sẽ vượt qua trong thập kỷ tới. GDP của Trung Quốc vào năm 2020 là khoảng 15.000 tỉ USD, so với 21.000 tỉ USD của Mỹ, dựa trên các ước tính sơ bộ.

Ngày 18.1, Cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc công bố số liệu thống kê cho thấy, GDP của nền kinh tế thứ 2 thế giới trong năm 2020 đã tăng 2,3%.

Trên thực tế, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong năm đại dịch COVID-19 hoành hành. Khi Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Trung Quốc tăng trưởng đáng kể sau khi nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Để so sánh, cường quốc châu Á khác là Ấn Độ đã ghi nhận GDP vào năm 2020 khoảng 2.700 tỉ USD, giảm so với năm trước sau khi nền kinh tế bị tàn phá bởi COVID-19 và sự phong tỏa khắc nghiệt ban đầu.

Dù vẫn dẫn trước Trung Quốc về GDP, Mỹ lần đầu tiên bị tụt lại phía sau ở bảng xếp hạng Fortune Global 500, số liệu quan trọng khác về sự thống trị kinh tế toàn cầu.

Fortune Global 500 (còn được gọi là Global 500) là bảng xếp hạng hàng năm của 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số. Danh sách này được biên soạn và xuất bản hàng năm bởi tạp chí Fortune.

Fortune Global 500 năm ngoái có 124 công ty Trung Quốc, so với 121 của Mỹ. Hai cường quốc này cộng lại chiếm gần một nửa tổng số. Nhật Bản đứng thứ ba với 53 công ty trong danh sách Global 500, còn Ấn Độ chỉ có 7.

Tuy nhiên, một điểm khác biệt chính giữa Mỹ với Trung Quốc và Ấn Độ là các công ty Mỹ trong danh sách Global 500 hầu như đều là các thực thể thương mại, ngoại trừ một số cơ quan chính phủ, chẳng hạn như Dịch vụ bưu chính Mỹ.

Ngược lại, các doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế trong danh sách của Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong 124 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách Global 500, 84 (gần 70%) là các doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực chính của nền kinh tế, không riêng cơ sở hạ tầng.

thay-gi-tu-viec-trung-quoc-co-nhieu-cong-ty-hon-my-trong-bang-xep-hang-fortune-global-5001.jpg
Sinopec, tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc và là 1 trong 500 thành viên của
Fortune Global 500

7 công ty của Ấn Độ thì 4 là doanh nghiệp nhà nước, trong đó 3 công ty dầu khí và 1 ngân hàng.

Điều này chứng tỏ rằng doanh nghiệp nhà nước tiếp tục thống trị đỉnh cao nền kinh tế ở cả Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều năm sau khi tự do hóa kinh tế ở cả hai cường quốc châu Á đã đưa họ trở thành những nền kinh tế toàn cầu hóa quan trọng.

Do Trung Quốc tự do hóa nền kinh tế hơn 1 thập kỷ trước Ấn Độ nên nhiều công ty nước này có trong danh sách Global 500 hơn nhiều năm qua. Ví dụ, vào năm 2000, có 9 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách này, còn Ấn Độ chỉ có 1 là Indian Oil thuộc sở hữu nhà nước. Reliance Industries, công ty tư nhân lớn nhất Ấn Độ, đã có tên trong danh sách này từ năm 2004, thời kỳ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế nước này.

Reliance Industries hiện diện trong nhiều lĩnh vực kinh doanh trên khắp Ấn Độ bao gồm hóa dầu, xây dựng, truyền thông, năng lượng, y tế, khoa học công nghệ, khai thác, bán lẻ, hàng dệt may và hậu cần.

Một sự khác biệt đáng chú ý khác giữa hai nước là tỷ lệ công ty Trung Quốc mới lọt vào danh sách Global 500 lớn hơn nhiều. Cụ thể là 8 công ty Trung Quốc lần đầu tiên lọt vào danh sách này năm 2020, nhiều hơn tổng số thành viên của Ấn Độ (7).

Rajesh Exports, công ty bán lẻ vàng của Ấn Độ, đã có mặt trong danh sách Global 500 trong 5 năm. Tata Motors (sản xuất ô tô), công ty tư nhân khác của Ấn Độ, góp mặt trong danh sách được 11 năm.

Đáng chú ý là Rajesh Exports, công ty Ấn Độ gia nhập danh sách
Global 500 mới nhất không phải là CNTT hay dược phẩm (vốn được coi là những lĩnh vực thế mạnh của nước này) mà là một trụ cột nền kinh tế Ấn Độ cũ, nơi vàng vẫn chiếm ưu thế.

thay-gi-tu-viec-trung-quoc-co-nhieu-cong-ty-hon-my-trong-bang-xep-hang-fortune-global-50012.jpg
Rajesh Mehta, Chủ tịch điều hành của Rajesh Exports, công ty mới nhất của Ấn Độ có trong danh sách Global 500

Bất chấp sự thống trị của nhà nước với nền kinh tế Trung Quốc, dường như có mức độ năng động lớn hơn với các công ty mới có trong danh sách Global 500 hàng năm.

Trong khi Ấn Độ cho thấy một nền kinh tế kém năng động hơn rõ rệt so với Trung Quốc. Thật mỉa mai khi nhận ra rằng khu vực tư nhân quan trọng hơn nhiều trong nền kinh tế hỗn hợp của Ấn Độ so với nền kinh tế do đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà nước thống trị.

Trên thực tế, cả Reliance Industries và Tata Motors đều là một phần của tập đoàn gia đình lớn đã thống trị nền kinh tế Ấn Độ nhiều thập kỷ. Tư cách thành viên của Ấn Độ trong Global 500 dường như đã đình trệ hơn 1 thập kỷ, phản ánh sự suy thoái kinh tế những năm gần đây.

Dù bạn nhìn vào GDP hay số thành viên ít ỏi của nó trong Global 500, rõ ràng là Ấn Độ sẽ khó trở thành siêu cường kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới.

Ý nghĩa của điều này sẽ vẫn còn về mặt địa chính trị, như đã trải qua nhiều thập kỷ, giờ đây Ấn Độ sẽ là đối trọng với Trung Quốc trong khu vực và ít nhất đến nay là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Tư cách thành viên của Ấn Độ trong nhóm Bộ tứ (còn có Mỹ, Úc, Nhật) chứng tỏ nhiều điều.

Ngược lại, Trung Quốc có khả năng vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng vài năm tới. Nếu điều này thành hiện thực, đó sẽ là lần đầu tiên sau gần 3 thế kỷ một quốc gia không thuộc phương Tây sẽ có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bài liên quan
Trung Quốc vượt Mỹ thành nước lọc dầu số 1 thế giới nhờ đâu?
Khi nhu cầu dầu biến động thời COVID-19 làm thay đổi cục diện sản xuất và xuất khẩu nhiên liệu trong khu vực, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nước lọc dầu lớn nhất thế giới năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
14 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc có nhiều công ty hơn Mỹ ở bảng xếp hạng Fortune Global 500, Ấn Độ ở vị trí nào?