Chính quyền Trung Quốc dường như đang nới lỏng về lập trường với số phận của TikTok, có thể mở đường cho ByteDance (có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh) bắt đầu đàm phán với các nhà đầu tư Mỹ, những người hiểu rõ vấn đề này tiết lộ cho trang SCMP.
Với sự nhiệt tình gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đạt được thỏa thuận về TikTok, Trung Quốc đang thấy một thỏa thuận công bằng có thể mang lại lợi ích để cải thiện mối quan hệ song phương, trang SCMP đưa tin.
Vào ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng hôm 20.1, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp trì hoãn 75 ngày thực thi luật liên bang yêu cầu các công ty Mỹ ngừng lưu trữ TikTok trừ khi ByteDance bán các hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ.
Lệnh hành pháp của ông Trump chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không thực thi luật "để cho chính quyền của tôi có cơ hội xác định hướng hành động phù hợp với TikTok".
Lệnh đó cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ gửi thư cho Apple, Google và Oracle, những công ty hợp tác với TikTok, nêu rằng "không có vi phạm luật và không có trách nhiệm pháp lý với bất kỳ hành động nào xảy ra trong khoảng thời gian đã được nêu trên". Apple và Google cung cấp ứng dụng TikTok thông qua App Store và Google Play. Trong khi Oracle cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu cho TikTok ở Mỹ.
Hiện vẫn chưa rõ liệu lệnh của ông Trump có đủ để Apple và Google khôi phục TikTok trên cửa hàng ứng dụng tại Mỹ hay không.
Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn ByteDance trao cho chính phủ Mỹ 50% cổ phần TikTok để ứng dụng tiếp tục hoạt động và khả dụng với hơn 170 triệu người dùng tại quốc gia này.
Ông Trump dọa sẽ áp thêm thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu nước này không chấp thuận thỏa thuận. "Chúng ta có thể cần sự chấp thuận từ Trung Quốc nữa. Tôi chắc rằng họ sẽ chấp thuận", Tổng thống Mỹ thứ 47 tuyên bố.
Chính phủ Trung Quốc chưa trực tiếp trả lời yêu cầu của ông Trump, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã nới lỏng lập trường về một thỏa thuận tiềm năng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh cho biết tại một cuộc họp báo hôm 20.1 rằng các hoạt động và thương vụ của doanh nghiệp "nên do doanh nghiệp quyết định theo nguyên tắc thị trường".
"Nếu các công ty Trung Quốc tham gia, các thỏa thuận phải tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc", bà Mao Ninh cho nói tại một cuộc họp báo riêng.
Lời phát biểu này là một sự thay đổi đáng chú ý so với lập trường trước đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về câu chuyện TikTok. Quan điểm chính thức trước đây của Trung Quốc là phản đối mạnh mẽ việc Mỹ đối xử tệ và đàn áp các doanh nghiệp Trung Quốc nhân danh an ninh quốc gia.
Năm 2020, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ về "hậu quả" của lệnh cấm TikTok, mà họ ví như "mở hộp Pandora".
Cụm từ "mở hộp Pandora" bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp. Theo truyền thuyết, Pandora là người phụ nữ đầu tiên được thần Zeus tạo ra. Cô được trao một chiếc hộp (hoặc bình, theo một số phiên bản), trong đó chứa tất cả những điều bất hạnh như bệnh tật, đau khổ và xui xẻo, nhưng cũng có hy vọng. Pandora nhận lời dặn không được mở hộp này, nhưng vì tò mò, cô đã mở nắp, giải phóng tất cả tai họa ra thế giới, chỉ còn lại hy vọng nằm trong hộp.
Ngày nay, cụm từ này được sử dụng để chỉ một hành động hoặc quyết định tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, phức tạp và không thể kiểm soát được. Nó mang ý nghĩa cảnh báo rằng một việc làm nào đó có thể gây ra nhiều vấn đề hơn tưởng tượng.
Trước khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, Trump cho biết ông đã thảo luận về TikTok với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm mới nhất của họ hôm 17.1.
"Tôi kỳ vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề và bắt đầu ngay lập tức. Chúng tôi đã thảo luận về cân bằng thương mại, fentanyl, TikTok và nhiều chủ đề khác", Tổng thống Mỹ viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của mình.
Fentanyl là một loại thuốc giảm đau nhóm opioid cực kỳ mạnh, được sử dụng trong y học để điều trị đau nặng, thường là sau phẫu thuật hoặc trong các trường hợp ung thư giai đoạn cuối. Nó có tác dụng nhanh và mạnh hơn nhiều so với morphine (ước tính mạnh gấp 50–100 lần). Fentanyl hoạt động bằng cách gắn vào các thụ thể opioid trong não, làm giảm cảm giác đau và mang lại cảm giác thoải mái.
Opioid là nhóm các chất tự nhiên, bán tổng hợp và tổng hợp có tác dụng tương tự như morphine, một chất alkaloid có trong cây thuốc phiện. Các chất này tác động lên các thụ thể opioid trong não và gây ra nhiều hiệu ứng khác nhau, gồm giảm đau, gây nghiện và gây ức chế hô hấp.
Ứng dụng y tế của Fentanyl
Được sử dụng dưới dạng tiêm, miếng dán qua da, viên ngậm, hoặc xịt mũi.
Thường chỉ được kê đơn trong các trường hợp đau nặng và không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau yếu hơn.
Vấn đề lạm dụng và nguy cơ
Fentanyl bất hợp pháp: Ngoài việc sử dụng hợp pháp trong y tế, fentanyl còn bị sản xuất bất hợp pháp và thường được trộn vào các loại thuốc đường phố như heroin, cocaine hoặc thậm chí thuốc giả. Điều này khiến nó trở nên cực kỳ nguy hiểm vì chỉ cần một liều rất nhỏ (vài miligam) cũng có thể gây tử vong.
Khủng hoảng opioid: Ở một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ, fentanyl là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do dùng quá liều.
"Yêu cầu của ông Trump rằng Mỹ nhận được 50% cổ phần TikTok là hình thức gây áp lực, nhưng điều này vẫn tốt hơn là phải từ bỏ 100%”, theo một nguồn tin của SCMP được thông báo về các cân nhắc ở Trung Quốc cho một thỏa thuận.
Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc và Mỹ có thể đang tiến gần hơn đến nhau về số phận của ứng dụng này. Chew Shou Zi, Giám đốc điều hành TikTok, đã tham dự lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump trưa 20.1 cùng các ông trùm công nghệ Mỹ, gồm cả Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) và Jeff Bezos (người sáng lập Amazon).
Thomas Liu, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn Policy Nexus, nói giọng điệu từ cả hai bên báo hiệu rằng "thỏa thuận có thể đã được tiến hành, thậm chí trước lễ nhậm chức của ông Trump".
Vẫn chưa rõ thỏa thuận như vậy có thể đáp ứng các yêu cầu của luật như thế nào, theo đó ByteDance không thể kiểm soát một ứng dụng đang hoạt động tại Mỹ.
Tuy nhiên, một thỏa thuận "gồm tuân thủ quy định, các biện pháp minh bạch và có thể là quyền sở hữu tại Mỹ có thể đóng vai trò như mô hình để điều hướng giao thoa giữa kinh doanh quốc tế và căng thẳng địa chính trị", Thomas Liu nhận định.
Tại Trung Quốc, ByteDance tiết lộ với một số cơ quan truyền thông nước này rằng công ty vẫn chưa đạt được thỏa thuận cùng chính phủ Mỹ.
Tờ Yicai và 36Kr trích dẫn một người gần gũi với ByteDance tiết lộ TikTok hoạt động trở lại sau khi tạm thời bị chặn quyền truy cập ở Mỹ vì chính phủ nước này quyết định chưa thực thi ngay luật.
Luật này đặt ra thời hạn là ngày 19.1 để ByteDance bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ. Thế nhưng, luật không ngăn cản TikTok cung cấp nội dung cho người Mỹ, dù Apple, Google và Oracle không thể hợp pháp cung cấp dịch vụ cho TikTok trong khi nó thuộc sở hữu của ByteDance. Về mặt kỹ thuật, luật vẫn có hiệu lực ngay cả khi có sự chậm trễ trong việc thực thi.
Một trở ngại với khả năng thoái vốn là Trung Quốc không muốn cho phép ByteDance xuất khẩu thuật toán mạnh mẽ của mình, được coi là bí quyết giúp TikTok thành công toàn thế giới. Hai công nghệ chính mà TikTok sử dụng là "đẩy thông tin được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" và "giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo".
Tuy nhiên, một thỏa thuận vẫn có thể thực hiện được mà không cần chuyển giao quyền sở hữu thuật toán, theo người được thông báo về các cân nhắc của chính phủ Trung Quốc.
"Rốt cuộc, không khó để các cổ đông tiềm năng của Mỹ tìm được một thuật toán tốt khi xét đến lượng người dùng và kho nội dung lớn của ứng dụng tại Mỹ", người này cho biết.