Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ ba vào hôm nay 17.6 với một cái tên được coi là khá nhạy cảm hiện nay: Phúc Kiến
Chủ tịch Tập Cận Bình đã coi việc chỉnh đốn mạnh mẽ các lực lượng vũ trang là một phần trọng tâm trong công cuộc của mình. Trong đó, Bắc Kinh nhấn mạnh việc tìm cách phát huy sức mạnh hải quân xa bờ của Trung Quốc, mặc dù luôn nói họ không có ý định gây hấn.
Theo truyền thông Bắc Kinh, tàu sân bay có sàn đáp đủ chiều dài tiêu chuẩn với hệ thống phóng máy bay. Tàu Phúc Kiến sẽ cùng với tàu Sơn Đông, được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019, và tàu Liêu Ninh, mà Trung Quốc đã mua vỏ cũ từ Ukraine vào năm 1998 rồi về trang bị lại. Trước đó, tàu Liêu Ninh còn được sử dụng với cái tên Thi Lang là tên vị tướng hải quân nhà Thanh đánh bại họ Trịnh tại Đài Loan để thu phục hòn đảo này.
Trung Quốc vẫn đang trau dồi khả năng vận hành các tàu sân bay và tích hợp chúng vào các nhóm tác chiến, điều mà hải quân Mỹ đã thực hiện trong nhiều thập niên. Và giờ cũng chỉ có Mỹ, với 11 hàng không mẫu hạm, có nhiều tàu hơn Trung Quốc.
Vụ hạ thủy tàu Phúc Kiến thể hiện năng lực ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington liên quan các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan ở Biển Đông.
Tỉnh ven biển Phúc Kiến nằm ngay bên kia eo biển Đài Loan và là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Đông bộ của quân đội Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của Đài Loan phụ trách an ninh của hòn đảo nói với Reuters rằng với tàu sân bay mới, Trung Quốc đang làm nổi bật ý định của họ trong khu vực về việc phát triển sức mạnh ra Thái Bình Dương.
Quan chức giấu tên cho biết: “Trong tương lai, họ muốn xâm nhập trực tiếp ra phía đông của chuỗi đảo đầu tiên, bao gồm quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và vùng biển Thái Bình Dương ngoài khơi phía đông Đài Loan”.
"Bất kỳ sự hợp tác nào trong khu vực đều bị Bắc Kinh coi là sự can thiệp vào vấn đề Đài Loan hoặc thách thức đối với Trung Quốc. Việc hạ thủy tàu sân bay mới là một tuyên bố thách thức".
Đài Loan đã và đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình, gồm cả việc trang bị một lớp tàu chiến tàng hình cơ động mới, được Đài Loan gọi là "sát thủ hàng không mẫu hạm" sau khi được trang bị thêm tên lửa.