Nỗ lực của chính quyền tỉnh Hà Nam, Trung Quốc nhằm giúp khôi phục lại toàn bộ hoạt động sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới đã phản tác dụng.
Các cuộc biểu tình phản đối biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt và đòi quyền lợi dẫn đến xung đột bạo lực giữa hàng trăm công nhân với lực lượng an ninh tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, qua đó có thể sẽ làm trật bánh hơn nữa lịch trình sản xuất và giao dòng iPhone 14 Pro cho toàn cầu.
Sự kiện này cũng cho thấy nỗ lực của chính quyền Hà Nam nhằm giúp khôi phục lại toàn bộ hoạt động sản xuất tại nhà máy do Foxconn (Đài Loan) điều hành đã phản tác dụng. Điều này có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch sản xuất nhiều thiết bị điện tử hơn từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam và Ấn Độ.
Các video lan truyền trực tuyến hôm 22.11 và 23.11, được xác minh bởi một số cựu nhân viên Foxconn ở Trịnh Châu, cho thấy cảnh ẩu đả nổ ra giữa công nhân với lực lượng an ninh nhà máy. Các video này cũng cho thấy công nhân giận dữ đạp đổ các rào cản và tháo dỡ các ki ốt xét nghiệm PCR.
Rộ tin những nhân viên mới được tuyển dụng buộc phải ở chung ký túc xá với các đồng nghiệp nhiễm vi rút vi rút SARS-CoV-2. Thế nhưng, Foxconn đã bác bỏ điều này trong tuyên bố được đưa ra hôm 23.11.
Chính quyền địa phương trước đó đã cử hàng ngàn nhân viên đến để giúp Foxconn thực thi việc cách ly, đảm bảo công nhân không rời khỏi khu vực này như một phần của hệ thống sản xuất khép kín giữ cho tất cả sống và làm việc bên trong khuôn viên. Với năng lực sản xuất tối đa, khu phức hợp sản xuất của Foxconn ở Trịnh Châu có thể chứa tới 300.000 công nhân.
Ngoài các ký túc xá chật chội và việc thực thi cách ly gắt gao, người lao động cũng phàn nàn về quyền lợi của họ. Hai công nhân giấu tên cho biết các khoản phụ cấp từng hứa đã bị cắt. Trong khi Foxconn xác nhận hôm 23.11 rằng công nhân phản đối về phụ cấp làm việc của họ, nhưng cho biết khoản thanh toán này "luôn được thực hiện dựa trên nghĩa vụ hợp đồng".
Sự gián đoạn mới nhất phản ánh các sáng kiến mà chính quyền Trung Quốc thực hiện để hỗ trợ nhà máy sản ở Trịnh Châu trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple đã bị tính toán sai.
Chiến dịch toàn tỉnh Hà Nam gần đây đã chứng kiến các cựu chiến binh quân đội Trung Quốc được tuyển dụng tích cực để làm việc tại nhà máy Foxconn. Các nhà chức trách Hà Nam cũng khuyến khích cán bộ ở thành phố Khai Phong và Tế Nguyên thành lập nhóm, tham gia dây chuyền lắp ráp iPhone ở Trịnh Châu ít nhất một tháng.
Chiến dịch đó được thực hiện ngay sau khi cuộc di cư của hàng chục ngàn công nhân khỏi nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu do dịch COVID-19 bùng phát cuối tháng 10.
Việc nhiều công nhân rời đi khiến Apple phải cảnh báo về lượng iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max xuất xưởng thấp hơn dự báo vì nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu “hoạt động với công suất giảm đáng kể”.
Trong khi Foxconn đưa ra nhiều đặc quyền tiền mặt hơn cho công nhân ở lại làm lâu hơn, tình trạng hỗn loạn tại công ty đã khiến các tuyển dụng thất vọng.
Một công nhân họ Zhang mới được tuyển dụng, đến từ tỉnh lân cận Hà Nam, cho biết anh phải ở chung phòng tại ký túc xá Foxconn ở Yukang New Town với 7 “tân binh” khác.
“Mọi người trong ký túc xá đều muốn nghỉ việc”, anh nói.
Trước lúc được đưa vào ký túc xá, Zhang phải cách ly trong phòng khách sạn 3 ngày sau khi đăng ký với cơ quan lao động để làm việc cho Foxconn.
Zhang nói: “Nhà máy đang trong tình trạng hỗn loạn. Tôi nghe nói những người dương tính với SARS-CoV-2 vẫn đang làm việc bên trong nhà máy”.
Anh nói thêm rằng một số người đã cách ly 3 ngày vẫn không thể vào nhà máy để bắt đầu công việc.
Lời kể của Zhang giống những gì một nhân viên mới khác của Foxconn có biệt danh Xiaodong chia sẻ trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok.
Dù Foxconn đã trả cho anh 400 nhân dân tệ (tương đương 55,86 USD) một ngày như phụ cấp cách ly, Xiaodong cho biết vẫn lo sợ về tình hình bùng phát dịch ở nhà máy.
Công ty Đài Loan cho biết trong một tuyên bố hôm 24.11 rằng đã xảy ra "lỗi kỹ thuật" trong quá trình giới thiệu tuyển dụng. Foxconn cũng đảm bảo rằng "mức lương thực tế giống như những gì đã thỏa thuận và được quảng cáo trong áp phích tuyển dụng chính thức".
Foxconn cam kết trả cho mỗi công nhân mới thuê 10.000 nhân dân tệ để ngay lập tức rời khỏi khuôn viên nhà máy ở Trịnh Châu trong động thái nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực.
Theo thông báo của công ty Đài Loan, những công nhân được thuê gần đây tại đơn vị sản xuất iPhone ở Trịnh Châu sẽ nhận được 8.000 nhân dân tệ nếu họ xin thôi việc ngay lập tức và sẽ nhận được 2.000 nhân dân tệ khác khi lên xe buýt rời cơ sở.
“Một số nhân viên vẫn lo ngại về vi rút SARS-CoV-2 và hy vọng sẽ được nghỉ việc để trở về nhà. Công ty hiểu sâu sắc về những lo ngại này”, Foxconn cho hay. Gói 10.000 nhân dân tệ bao gồm tiền lương bị mất, phụ cấp cách ly và các vật dụng linh tinh, theo thông báo.
Theo video clip đang lan truyền trên mạng với nội dung đã được xác minh bởi nhân viên Foxconn vào ngày 23.11, một người đàn ông nói với nhóm công nhân về đề nghị bồi thường và yêu cầu họ tập trung lúc 19 giờ 30 tối nếu muốn nhận tiền để rời đi.
Người đàn ông hứa sẽ thu xếp vận chuyển để đưa công nhân về nhà trong tỉnh Hà Nam nhưng họ sẽ phải cách ly khi đến thành phố và thị trấn quê hương.
Dù vậy, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra trong nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, theo hai cựu công nhân vẫn giữ liên lạc với bạn bè vẫn làm việc tại đây. Ưu đãi lương một lần chỉ áp dụng cho công nhân mới thuê.
Với dân số 12 triệu người, Trịnh Châu đã thông báo phong tỏa 5 ngày nữa kể từ 25.11 sau khi báo cáo 153 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 521 trường hợp tiếp xúc gần hôm 24.11.
Các nhà phân tích Daniel Ives và John Katsingris của công ty Wedbush Securities viết trong một ghi chú nghiên cứu được công bố hôm 23.11: “Việc ngừng hoạt động tại Foxconn là đòn giáng mạnh với Apple trong quý 4 và chúng tôi tin rằng đã đưa khoảng 5% đơn vị iPhone 14 ra khỏi chuỗi cung ứng”.
Họ cho rằng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple tại Trung Quốc có thể gây ra tình trạng thiếu hụt iPhone 14 Pro và Pro Max lớn vào mùa Giáng sinh năm nay, vì nhu cầu với các mẫu smartphone cao cấp này đã vượt quá nguồn cung.
Apple không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.