Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 13.10 đưa tin chính phủ Trung Quốc khuyến khích giới trung lưu mạnh tay chi tiêu để giải cứu nền kinh tế, nhưng tầng lớp này còn phải lo cho tương lai khi nền kinh tế bị giảm tốc, vào lúc đang có chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
Người tiêu dùng Trung Quốc cẩn trọng và bi quan
Theo SCMP, Trung Quốc nay đánh cược vào giới trung lưu - với hơn 400 triệu người tiêu dùng, theo ước tính của chính quyền – sẽ tăng chi tiền mua các sản phẩm và dịch vụ, để giúp ổn định nền kinh tế vào lúc đang có cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ủy ban Cải cách - Phát triển Quốc gia hồi tháng 9 tuyên bố đã tổ chức một diễn đàn đặc biệt, để nghiên cứu khả năng tăng lương cho các nhóm tiêu dùng dưới trung lưu, trung lưu và trên trung lưu, là các nhóm dân có thu nhập/năm từ 13.843 đến 34.547 Nhân dân tệ (NDT).
Chính quyền muốn đem Trung Quốc thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, thuật ngữ mà Ngân hàng Thế giới dùng để chỉ các nước bị “dính” vào cấp phát triển kinh tế trung bình nhưng cố gắng vươn lên thành nước giàu.
Nhận định của chính phủ là khối trung lưu đông đảo cũng sẽ giúp đất nước duy trì được sức hút các nhà đầu tư và nhà buôn. Vào tháng 11 tới sẽ cómột cuộc triển lãm xuất-nhập khẩu ở Thượng Hải, nhằm dùng sức tiêu dùng trong nước để thu hút phần còn lại của thế giới.
Nhưng dù thu nhập mỗi đầu người nay gần bằng 10.000 USD, sự phân phối thịnh vượng quốc gia không nghiêng nhiều về người dân, khi nhà nước hưởng phần lớn phần chia thu nhập, và sức tiêu dùng của người dân bị hạn chế, vì chi phí nhà ở, học phí,y tế và chăm sóc con cái đều tăng.
Trong một tuần nghỉ lễ Quốc Khánh vốn kết thúc hôm 7.10, khoản chi du lịch trong nước tăng 9,5%, và đó là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi kỳ nghỉ lễ “tuần lễ vàng” được áp dụng hồi 18 năm trước.
Bên cạnh đó còn là nỗi lo cho tiền đồ kinh tế quốc gia, và chuyệntiềnlương, chi phí hưu trí cho một khối dân số già nhanh: tính đến cuối năm 2017 có 240 triệu người hơn 60 tuổi, vốn thường là độ tuổi hưu.
Điều đó khiến người tiêu dùng muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn cho tương lai, và hiện không mạnh tay xài tiền. Thăm dò hồi tháng 7 của Ngân hàng Bộ Thông tin Trung Quốc cũng cho thấy người dân cảnh giác hơn về kinh tế và thu nhập trong tương lai.
Theo dữ liệu ngân hàng, dân Trung Quốc nổi tiếng để dành tiền, nhưng tỉ lệ gửi tiền tiết kiệm ở các ngân hàng giảm mức kỷ lục 8,3% hồi tháng 8. Bên cạnh đó, nguồn thu từ đầu tư cũng bị giảm đáng kể. Thu nhập trung bình của một người từ các tài sản tài chính, nhà đất cùng các tài sản khác là 532 NDT trong quí 2.2018, giảm so với 643 NDT trong quí 1.
Số liệu chính phủ phản ánh sức chi tiêugiảm. Theo Cục Thống kê quốc gia, tổng tỉ lệ doanh số bán lẻ chỉ phục hồi nhẹ 9% hồi tháng 8, nhưng vẫn sát tỉ lệ 8,5% hồi tháng 5. Sức chi tiêu dùng ở thành thị tăng 4,7% trong nửa đầu năm, phục hồi nhẹ so với 3,4% trong quí 1.
Giai cấp trung lưu Trung Quốc chìm sâu vào nợ nần, mặc mòn quần mới dám mua đồ mới
Trường hợp của cô Deng, một kế toán viên của một hãng phim ở Bắc Kinh, là một ví dụ. Mức lương tháng sau khi trừ thuế của Deng là 5.400 NDT (tương đương 780 USD). Nhưng một nửa số tiền lương của Dent phải dành cho tiền thuê nhà. Cô thường xuyên kẹt tiền nên càng vay phải nhiều tiền hơn. Deng thừa nhận thi thoảng phải vay tiền mặt của dịch vụ cho vay tiêu dùng Ant Cash Now qua điện thoại di động củatổ chức tài chính Ant Financial (thuộc tập đoàn Alibaba và điều hành dịch vụ Alipay) không phải để cô mua mỹ phẩm, quần áo, mà chỉ để trả tiền thuê nhà.
Máy cho vay tiền Alipay - Ảnh: SCMP
Như Deng, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chìm sâu vào nợ nần, không cố ý nhưng cần phải thế: cuối tháng 8, số tiền vay để chi cho khoản thuê nhà hoặc thế chấp, thậm chí đóng tiền góp mua nhà nhà tăng 29,1%. Toàn bộ khoản vay tiêu dùng không dành cho mua sắm hàng hóa và dịch vụ.
Sự bất ổn mà giai cấp trung lưu đang đối mặt khiến một số người vỡ mộng với khả năng kinh tế của họ. Wei, một lập trình viên 29 tuổi ở Bắc Kinh, hưởng mức lương tháng 15.000 NDT sau khi đã trừ thuế.
Đây là mức lương để anh thuộc nhóm giữa trong tầng lớp trung lưu. Nhưng Wei không nghĩ mình thuộc nhóm này. Vì mỗi tháng, anh phải trả 8.000 NDT cho khoản vay tiền mua một căn hộ hồi 2 năm trước. Thêm 2.000 NDT chu cấp cho cha mẹ anh và cha mẹ vợ sinh sống. Wei phải chắt chiu từng xu trong 5.000 NDT còn lại để trang trải các khoản chi hàng ngày, đến độ 5 năm nay không thể nâng cấp chiếc laptop, và chỉ mua quần áo mới khi nào không còn có thể mặc quần áo cũ nữa.
Vợ Wei kiếm được 20.000 NDT/tháng, nhưng họ đều lo tiết kiệm từng đồng, để có thể sinh con.
Sách giáo khoa liên tục tăng giá, vợ cấm chồng mua xe con mới
Fang ở Hạ Môn hiểu rõ nỗi lo tiền nuôi con khiến các gia đình trung lưu như Wei phải thay đổi thói quen tiêu dùng. Trước khi sinh con trai hồi 3 năm rưỡi trước, cô vung tiền mua mỹ phẩm, nhưng nay cô không nhớ lần mua thỏi son môi gần đây nhất.
Fang cho con học nhà trẻ dạy song ngữ Trung-Anh, và đăng ký một suất học ở một trường chuyên dạy tiếng Anh, nơi thu học phí 13.267 NDT/năm, tức cao hơn mức lương tháng trung bình của một cư dân đô thị ở Hạ Môn trong nửa đầu năm 2018.
Fang cho biết cũng vì sách giáo khoa tăng giá liên hồi, nên mỗi tháng cô chỉ để dành được một ít tiền. Cô đoán chi phí giáo dục cho con trai sẽ tăng nữa, vì gia đình chồng đã giảm hỗ trợ, dù họ điều hành một công ty mỏ ở tỉnh Quí Châu, nhưng hai năm qua hoạt động sa sút và nhiều lúc công ty không thể trả lương cho nhân công.
Các gia đình Trung Quốc cũng đành chịu thua, khiến số xe bán được ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này giảm mạnh 7,4% trong 3 tháng liên tiếp hồi tháng 8, so với mức giảm 5.5% hồi tháng 7.
Bích Ngọc (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)