Trong chuyến thăm Hàn Quốc hai ngày, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc kêu gọi hợp tác song phương về công nghệ hiện đại và chuỗi cung ứng.

Trung Quốc muốn hợp tác về công nghệ và chuỗi cung ứng với Hàn Quốc

Bảo Vĩnh | 17/09/2022, 13:26

Trong chuyến thăm Hàn Quốc hai ngày, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc kêu gọi hợp tác song phương về công nghệ hiện đại và chuỗi cung ứng.

lat-chien-thu-ap-1.jpeg
Tổng thống Hàn Quốc (trái) và ông Lật Chiến Thư - Ảnh: Joint Press Corps

Theo AP, ông Lật Chiến Thư là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Hàn Quốc tính từ sau năm 2015. Sau cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo ngày 16.9, ông Lật Chiến Thư phát biểu tại cuộc họp báo: “Trung Quốc ủng hộ sự hợp tác về các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, quản lý các chuỗi cung ứng và công nghiệp một cách thông suốt và ổn định”.

Phát biểu ngắn của ông Lật Chiến Thư được cho là phản ánh một lo ngại của Bắc Kinh, khi cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa Trung Quốc với Mỹ có thể dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng, trong bối cảnh một số công ty Mỹ đã chuyển nguồn lực và dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc cũng phản đối việc Hàn Quốc tham gia Liên minh Chip 4 do Mỹ khởi xướng hồi tháng 3.2022. Đài Loan và Nhật Bản là hai thành viên còn lại của cơ chế hợp tác này. Đây là động thái được cho là nhằm đối phó với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng chip liên quan đến Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục phát đi thông điệp hợp tác hữu nghị với Hàn Quốc”

Chuyến thăm của ông Lật Chiến Thư cũng quan trọng đối với chính phủ Hàn Quốc. Seoul vốn muốn trấn an Bắc Kinh rằng việc tăng cường liên minh quân sự với Mỹ không nhằm chống phá Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.

Đã có những lo ngại việc chính phủ Tổng thống Yoon nghiêng về phía Mỹ có thể khiến Trung Quốc trả đũa về kinh tế.

Hồi năm 2017, khi Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Seongju thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang, Trung Quốc nói rằng radar của THAAD có thể do thám lãnh thổ của họ, tạm ngưng các tour du lịch đến Hàn Quốc và có những hành động tẩy chay hàng hóa nước này.

Gần đây, Bắc Kinh còn kêu gọi Seoul thực hiện chính sách “3 không”, tức không triển khai thêm THAAD, không hòa nhập hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Mỹ dẫn đầu và không tham gia liên minh 3 bên với Mỹ và Nhật Bản.

Vào cuối ngày 16.9, ông Lật Chiến Thư đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Trong cuộc nói chuyện, Tổng thống Yoon nhờ ông Lật Chiến Thư chuyển lời mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hàn Quốc.

Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon nói vấn đề THAAD không nên là điểm bất đồng trong quan hệ song phương, và ông Lật Chiến Thư đồng ý cần có một sự điều phối chặt chẽ nhằm xử lý các vấn đề nhạy cảm.

Theo giáo sư Kim Han-kwon thuộc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, Bắc Kinh sẽ cẩn trọng hơn trong việc đưa ra đòn trả đũa kinh tế khác vì làm thế sẽ đẩy Hàn Quốc đến gần hơn với Mỹ.

“Về vụ THAAD, Trung Quốc gây sốc cho dư luận Hàn Quốc và khiến Seoul phải chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Nhưng họ không thể khiến hủy bỏ việc triển khai THAAD và không thể xóa cảm xúc bài Trung Quốc của người Hàn Quốc. Ngoài ra, dư luận càng muốn tăng cường liên minh Mỹ - Hàn và hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc và Mỹ, Nhật Bản”, giáo sư Kim Han-kwon nhận định.

Cuộc gặp gỡ của ông Lật Chiến Thư với Tổng thống Hàn Quốc cũng gây chú ý, vì hồi tháng 8, ông Yoon đã không gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khi bà đến Seoul sau chuyến thăm Đài Loan. Lúc đó, ông Yoon đang nghỉ phép và có trao đổi điện thoại với bà Pelosi, nhưng ông bị chỉ trích là tránh gặp bà vì không muốn làm Bắc Kinh phật ý.

Kim Heung-kyu, Chủ nhiệm Viện Chính sách Mỹ - Trung thuộc Đại học Ajou (Hàn Quốc) nói chuyến thăm Seoul của ông Lật Chiến Thư khác với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, do bà Pelosi đến Hàn Quốc sau chuyến đi Đài Loan.

Hàn Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, là nguồn cung ứng lớn về chất bán dẫn, xe hơi, điện thoại thông minh cùng các sản phẩm điện khác. Điều này khiến Mỹ và Trung Quốc đều muốn làm đối tác với Hàn Quốc. Ông Kim cho rằng trừ khi Hàn Quốc công khai theo đuổi một chính sách bài Trung, “chứ Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát đi thông điệp hợp tác hữu nghị với Hàn Quốc thay vì gây sức ép, xung đột và đối đầu”.

lat-chien-thu-jpc.jpeg
Hai vị Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc (trái) và Hàn Quốc họp báo - Ảnh : Yonhap

Nỗ lực hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Quan hệ hợp tác với Trung Quốc là chủ đạo trong các nỗ lực của Mỹ - Hàn nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Dù vẫn còn những thắc mắc về tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn được cho là có ưu thế lớn trong số các cường quốc khu vực, vì là đồng minh ngoại giao cuối cùng và là nguồn hỗ trợ kinh tế chủ đạo của Triều Tiên.

Trong cuộc gặp ông Lật Chiến Thư ngày 16.9, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nói nước ông hy vọng Trung Quốc sẽ giữ một vai trò xây dựng với Triều Tiên. Ông Lật Chiến Thư cho biết ông cùng ông Kim đồng ý rằng lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại sẽ có lợi cho quyền lợi hai quốc gia.

lg-science-park-lg.jpg
Công viên khoa học LG ở Seoul - Ảnh: LG Group

“Mặt trận công nghệ Mỹ - Trung” ở Công viên Khoa học LG

Theo báo Korea Times, Công viên Khoa học của tập đoàn công nghệ LG trở thành “mặt trận” mới nhất của cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Công viên này ở Seoul, là nơi đặt Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của LG, gần đây trở thành một điểm đến chủ lực của các chính khách Mỹ - Trung khi thăm Hàn Quốc.

Vào lúc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang căng thẳng, xem ra các chính khách đều muốn tăng cường quan hệ với LG. Mỗi khi đến khu R&D của LG, họ đều đặc biệt quan tâm đến mảng pin xe điện (EV).

Ngày 16.9, ông Lật Chiến Thư đã thăm Công viên Khoa học LG, ngay trước khi ông có các cuộc gặp với người đồng cấp và Tổng thống Hàn Quốc.

Tại Công viên Khoa học LG, ông tham quan LG Innovation Gallery, gian triển lãm các thiết bị điện gia dụng, hóa chất, người máy, màn hình và sản phẩm pin LG. Hiện 8 nhánh lớn của LG đều có các ban R&D, gồm LG Energy Solution (LGES), công ty sản xuất pin EV lớn thứ nhì thế giới tính theo doanh số bán.

Theo các nhà ngoại giao, ông Lật Chiến Thư rất muốn thăm khu R&D và quan tâm các công nghệ pin EV, vì LGES đã mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, bất chấp việc LG đã giảm hoạt động ở Trung Quốc kể từ sau vụ tranh chấp ngoại giao liên quan việc Hàn Quốc triển khai THAAD.

Hồi tháng 7 năm nay, LGES đã cùng tập đoàn khoáng sản Chiết Giang Hoa Hữu Cobalt lập liên doanh tái chế pin ở Trung Quốc. LGES cũng xây nhà máy sản xuất pin thứ hai ở Nam Kinh (Trung Quốc) hồi năm ngoái.

Cùng tháng 7 này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng thăm Công viên Khoa học LG. Sau khi tham quan gian triển lãm pin EV, bà Yellen nhấn mạnh liên minh Mỹ - Hàn trong lĩnh vực pin EV và chỉ trích Nga - Trung đe dọa kinh tế toàn cầu.

Bài liên quan
Hàn Quốc cam kết giúp Triều Tiên bình thường hóa quan hệ với Mỹ
Theo Reuters, Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên phi hạt nhân hóa và khẳng định Seoul không tìm cách thay đổi hiện trạng của Bình Nhưỡng bằng vũ lực.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc muốn hợp tác về công nghệ và chuỗi cung ứng với Hàn Quốc