Sự việc Trung Quốc xây dựng và mở rộng các đảo trái phép trên biển Đông vừa qua đã khiến cả thế giới bị xáo động mạnh. Các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương thì lo ngại về hành động mang ý nghĩa gây hấn này của Trung Quốc, còn các cường quốc trên thế giới thì lo ngại về an ninh hàng hải bị đe dọa bởi hành động này.
Cảm nhận được sức ép ngày càng lớn, thậm chí có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng, đã khiến Trung Quốc phải xuống thang. Người phát ngôn bộ ngoại giao Lu Kang đã đưa ra thông điệp vào ngày thứ Ba 16.6 rằng Trung Quốc sẽ ngưng công việc xây dựng và mở rộng các đảo, với lý do là nó đã hoàn thành. Nhưng trên thực tế, có cả một hệ thống dày đặc những lý do thực sự buộc Trung Quốc phải làm điều này.
Lý do mang tính khách quan nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn nhất buộc Trung Quốc phải bỏ dở công việc xây dựng trái phép của mình là mùa mưa bão trên biển Đông đã gần kề. Với sức mạnh khủng khiếp của các cơn bão vẫn thường diễn ra trên biển Đông vào thời điểm này trong năm, có thể phá hủy hoàn toàn việc vận chuyển nguyên vật liệu và những công trình đang xây dở.
Khi mùa mưa bão đến, dù Trung Quốc có không muốn dừng việc xây dựng thì cũng buộc phải dừng. Mùa mưa bão định kỳ trong năm này gần như đã tạo thành thời gian biểu cố định cho các động thái của Trung Quốc trên biển Đông, khi mọi hoạt động của Bắc Kinh sẽ buộc phải kết thúc trước thời điểm mùa mưa bão xảy ra. Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 cách đây một năm cũng diễn ra vào thời điểm tương tự, và Trung Quốc đã buộc phải rút thiết bị cồng kềnh này trước mùa mưa bão, và cũng với lý do tương tự là “đã hoàn thành công việc”.
Ngoài lý do bắt buộc xuất phát từ sự đe dọa của thời tiết đó, sức ép tổng hợp đến từ các quốc gia trong khu vực và các cường quốc trên thế giới cũng khiến Bắc Kinh hiểu rằng việc tiếp tục hoạt động xây dựng và mở rộng đảo trái phép là một sự mạo hiểm. Sức ép và mối đe dọa lớn nhất đến từ các động thái của Mỹ. Sự kiện Trung Quốc ngang ngược mở rộng các đảo đã khiến Mỹ lần đầu tiên phá lệ trong nhiều năm trở lại đây, khi bộ trưởng quốc phòng Ash Carter tuyên bố sẽ tài trợ một gói viện trợ quân sự trị giá 425 triệu USD cho 5 nước Đông Nam Á có liên quan đến tranh chấp trên biển Đông.
Đặc biệt là việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương và cung cấp 18 triệu USD để mua các tàu tuần tra cho Việt Nam. Sự phá lệ này có thể dẫn tới các động thái tăng cường sức mạnh quốc phòng quy mô hơn nữa mà Mỹ có thể dành cho các quốc gia Đông Nam Á, vốn đang bị Trung Quốc chèn ép.
Nhưng quan trọng hơn, là Bắc Kinh không muốn mạo hiểm với cuộc tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới đang diễn ra ở Mỹ. Một sự gia tăng căng thẳng ở biển Đông của Trung Quốc có thể trở thành chủ đề chính trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên, vốn là điều có thể trở thành một điểm chính trong chính sách cầm quyền của vị tân tổng thống sau đó. Bắc Kinh muốn né tránh nguy cơ này.
Một sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực và thậm chí đe dọa an ninh hàng hải thế giới có thể trở thành lợi thế để một ứng cử viên đảng Cộng Hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Mà một tổng thống diều hâu và cứng rắn thuộc đảng Cộng Hòa lại là điều mà Trung Quốc không hề mong muốn chút nào. Nó có thể đe dọa làm thay đổi cán cân chính sách của Mỹ đối với vấn đề Trung Quốc ở châu Á Thái Bình Dương trong tương lai, theo hướng bất lợi nghiêm trọng cho Trung Quốc.
Cùng với đó, sự kiện mở rộng các đảo ở biển Đông một cách ngang ngược cũng đang khiến hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới xấu đi hơn bao giờ hết. Hầu như không có quốc gia hay tổ chức nào đứng về phía Trung Quốc trong sự kiện này, từ Mỹ, EU, G7 cho tới Ấn Độ và ASEAN. Nguy cơ đe dọa an ninh hàng hải thế giới của việc xây dựng đảo có thể khiến cho Trung Quốc trở thành một mối đe dọa lớn trên thế giới, và có thể xóa sách những hình tượng mà nước này cố gắng vun đắp trong những năm qua.
Bắc Kinh hiểu rằng một sự tiếp tục hành động xây dựng này có thể sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng từ khắp nơi trên thế giới. Nó có thể đe dọa đến các dự án kinh tế và thương mại mà Bắc Kinh đang cố gắng triển khai, như Con đường tơ lụa. Các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ không hứng thú gì với việc thiết lập tuyến đường thương mại dài dằng dặc này với Trung Quốc nếu như nước này trở thành đối tượng bị kỳ thị trên toàn cầu.
Sự kiện mở rộng các đảo san hô trên biển Đông của Trung Quốc lần này đã kết thúc. Nhưng nó đang kéo theo những hệ quả nghiêm trọng có thể thay đổi cục diện khu vực trong tương lai. Quốc hội Mỹ lần đầu tiên đã phá vỡ thế trung dung mà nó vẫn cố gắng duy trì trong thời gian qua đối với vấn đề Trung Quốc. Bằng việc cung cấp gói viện trợ quân sự lên tới hàng trăm triệu USD cho Đông Nam Á, quốc hội Mỹ đã tiến một bước quan trọng trong chính sách kiềm chế Trung Quốc một cách chủ động hơn rất nhiều.
Tương tự là các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Các cường quốc này sẽ ngày càng gia tăng sự hiện diện và vai trò của họ trong các vấn đề khu vực, khi mà việc mở rộng đảo của Trung Quốc đang đe dọa đến lợi ích thương mại và hàng hải của tất cả các bên. Khi áp lực tổng hợp đã tăng lên, Trung Quốc sẽ không có nhiều khoảng trống để thực hiện các động thái gây căng thẳng trước mùa mưa bão hàng năm như đã từng làm trong các năm tới.
Nhàn Đàm (theo The Diplomat)