Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết: Lò phản ứng hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc sẽ sớm hoàn thành và được đưa vào chạy thử trước năm 2020.
Lò phản ứng này được cho là sẽ giúp Trung Quốc mở rộng thị trường điện, đồng thời thực hiện tham vọng trở thành một cường quốc hàng hải.
Dự kiến lò phản ứng sẽ được dùng vào hoạt động cấp điện cho những giàn khoan dầu khí trên biển của Trung Quốc, theo SCMP.Kĩ sư Trương Nãi Lương thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Trung Quốc (CSIC) cho biết: “Công nghệ này (lò phản ứng hạt nhân nổi) đã hoàn thiện và dự án vận hành thử nghiệm sẽ được triển khai đến những giàn khoan tại biển Bột Hải. Chúng tôi tin rằng có thể sớm hoàn thành lò phản ứng này”.
Ông Trương không cho biết thời gian chạy thử cụ thể, chỉ cho biết dự án sẽ khởi động trước năm 2020.
SCMP cho biết dự án chạy thử lò phản ứng sẽ được phát triển bởi một nhóm nghiên cứu do CSIC, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOCC), Công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) và Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) hợp tác thành lập.
Cũng theo kĩ sư Trương, các lò phản ứng hạt nhân nổi có thể giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của hải quân nước này, mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc đến.
Ông Trương khẳng định: “Ngành công nghiệp đóng tàu và năng lượng hạt nhân có nhiệm vụ góp phần xây dựng một cường quốc hàng hải”.
Ông Trương cho biết thêm, ngoài lò phản ứng sắp hoàn thành, các dự án xây dựng lò hạt nhân khác, trong đó có một dự án do CNOCC và CGN hợp tác phát triển từ năm 2016, đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Theo SCMP, những dự án nêu trên là thành quả của việc chính quyền Bắc Kinh trong những năm qua đã kêu gọi các công ty hoạt động trong ngành năng lượng hạt nhân nhanh chóng phát triển công nghệ, để giúp tăng cường năng lực quốc gia và giành được nhiều dự án năng lượng ở nước ngoài.
Nhiều chuyên gia đánh giá lò phản ứng hạt nhân nổi của Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về an toàn lẫn an ninh. Theo nhà phân tích Mark Hibbs thuộc Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Thế giới: “Chuyện lò phản ứng hạt nhân nằm xa bờ đem lại hàng đống vấn đề về an ninh, an toàn, kinh tế và tiếp vận”.
Nhà báo Jurica Dujmovic của tờ Market Watch cho rằng với những lò phản ứng hạt nhân nổi này thì nguy cơ tai nạn hạt nhân của thế giới lại tăng lên, mặc dù nhiều nhà khoa học từng khẳng định công nghệ này đã tiến bộ nhiều.
Ông xem vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân như bài học cần được ghi nhớ về chuyện cái giá phải trả cho thảm họa “rất khó xảy ra” khi xảy ra là rất lớn.
Ngoài ra, cũng theo nhà báo Dujmovic, những lò phản ứng hạt nhân di động kiểu này là “mồi ngon cho bọn khủng bố”.
Cẩm Bình (theo SCMP)