Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của trang tin Bloomberg hôm 10.10, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn tuyên bố Bắc Kinh sẽ không chịu thua Mỹ trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.
Bộ trưởng Trung Sơn nói: “Có một quan điểm tồn tại lâu nay ở Mỹ là nếu Mỹ duy trì biện pháp tăng thuế, Trung Quốc sẽ chịu thua. Họ không hiểu biết lịch sử và văn hóa Trung Hoa. Đất nước chúng tôi bị nước ngoài bắt nạt rất nhiều lần trong lịch sử, nhưng chúng tôi chưa bao giờ bị khuất phục ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại, nhưng sẽ đứng lên chống lại nếu cuộc chiến đó bùng nổ. Mỹ chớ nên xem thường ý chí và sự quyết tâm của Trung Quốc”.
Đó là câu trả lời quyết liệt nhất của Bắc Kinh, tiếp sau việc công bố Sách Trắng thương mại hồi tháng 9 vốn nêu rõ quan điểm không nhượng bộ trước Mỹ, cáo buộc Mỹ gây căng thẳng và tự giới thiệu Trung Quốc là người quảng bá thương mại tự do.
Các tuyên bố mạnh miệng của Bộ trưởng Trung Sơn trùng hợp với sự xuống cấp nhanh trong quan hệ Mỹ - Trung. Hôm 8.9, khi đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trách Mỹ phá hoại sự tin tưởng lẫn nhau, và Mỹ cần chấm dứt “các hành động bị hướng dẫn sai” chống lại Trung Quốc. Ông Pompeo đáp rằng có sự bất đồng sâu sắc giữa hai thế lực kinh tế số 1 và số 2 thế giới.
Viễn cảnh Mỹ - Trung hạ giảm căng thẳng thương mại không hề sáng. Haibên đã có những cuộc áp thuế trả đũa lẫn nhau, có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề, từ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ cho đến vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (SOE).
Ban đầu, Mỹ áp mức thuế 25% trị giá 50 tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Đến tháng 9, Mỹ áp mức thuế 10% lên 200 tỉ USD. Từ ngày 24.9, Mỹ chính thức áp mức thuế mới này lên gần 6.000 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm xe đạp, đồ nội thất, túi xách, gạo và hàng dệt may.
Đây là mức thuế lớn nhất, nhưng sau đó mức thuế này sẽ tăng lên 25% từ ngày 1.1.2019, nếu như Trung Quốc không có những nhượng bộ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói các biện pháp áp thuế là cần thiết, để chống lại mô hình kinh tế Trung Quốc vốn “ăn cắp” công nghệ Mỹ và đòi các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ đểđổi lấy quyền tiếp cận thị trường, đồng thời Bắc Kinh trợ vốn cho các SOE. Ngày 1.10, ông Trump còn dọa “chúng tôi có thể áp thêm mức thuế 267 tỉ USD nữa”.
Bắc Kinh trả đũa bằng các mức thuế 25% trị giá 50 tỉ USD và từ 5% đến 10% trị giá 60 tỉ USD lên hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc.
Mỹ đang đòi Trung Quốc thay đổi chính sách thương mại, nhưng Bộ trưởng Trung Sơn nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh, rằng Trung Quốc không ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ: “Tôi muốn nói rõ là luật pháp và quyđịnh của Trung Quốc không có điều khoản nào buộc chuyển giao công nghệ, và việc các công ty mua công nghệ, bằng phát minh là hoạt động thị trường bình thường”.
Ông Trung Sơn còn nói sự phát triển kinh tế, khoa học và tiến bộ công nghệ của Trung Quốc là nhờ chính sách cải tổ, mở cửa và của nỗ lực của nhân dân Trung Quốc. Ông cũng nói Trung Quốc không bao giờ “chiếm ưu thế của Mỹ”, ngay cả khi Trung Quốc có mức thặng dư thương mại 31, 05 tỉ USD với Mỹ hồi tháng 8.2018.
Vị quan chức Trung Quốc nói thêm: “Nếu một bên cứ tận dụng ưu thế suốt, thì làm sao quan hệ làm ăn này có thể tiếp diễn?Các công ty và người tiêu dùng biết rõ nhất họ có cướp ưu thế hay không”.
Bất đồng Mỹ - Trung nay đã vượt quácuộc chiến thương mại, với ông Trump cáo buộc Trung Quốc âm mưu can thiệp cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ (sẽ diễn ra ngày 6.11 tới).Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng công kích Bắc Kinh “sử dụng mọi phương tiện có sẵn” để phá hoại hệ thống chính trị Mỹ. Ông cũng khuyến cáo các công ty Mỹ nên rút khỏi Trung Quốc.
Bảo Vĩnh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)